Cá lạ tấn công người tắm biển

Cá lạ tấn công người tắm biển ảnh 1

Bãi tắm ở TP Quy Nhơn nơi xảy ra nhiều vụ cá tấn công - ảnh: Đình Phú

Nạn nhân của cá dữ

Từ tháng 7.2009 đến nay, có gần 10 người tắm biển ở khu vực biển từ Công viên thiếu nhi đến gần khu danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Bình Định) bị cá dữ ngoạm chân, tay gây thương tích nặng. Trong đó, chỉ riêng ngày 9.1 vừa qua có đến 3 người bị cá cắn.

Theo ghi nhận của PV, vụ cá cắn người đầu tiên tại bãi biển Quy Nhơn xảy ra vào sáng 18.7.2009. Ông Nguyễn Quang Huynh (57 tuổi, ở 22 Võ Lai, TP Quy Nhơn) đi tắm biển cùng 4 người bạn, đều là những người bơi giỏi và thường bơi khá xa bờ. Ông Huynh là người bơi trước, khi cách bờ chừng 150m thì bị cá ngoạm vào cẳng chân phải.

Một mảng cơ bằng khoảng bàn tay gần như bị rời ra, hở cả xương. Những người bạn của ông Huynh cùng nỗ lực đưa ông vào bờ và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Do thương tích nặng, ông Huynh phải nằm viện điều trị suốt 1 tháng mới được về nhà.

Trong khi nạn nhân đầu tiên còn đang nằm viện điều trị, chiều 27.9, cá dữ lại “hỏi thăm” người tắm biển. Vẫn còn cảm giác ớn lạnh khi bị cá đớp chân, chị Huỳnh Thị Thúy Hồng (41 tuổi, ở khu vực 9, P.Ngô Mây, TP Quy Nhơn) kể: “Khoảng 5 giờ 30 chiều, tôi cùng chị Hạnh nhà ở đường Võ Mười xuống tắm biển (khu vực biển trước Công viên thiếu nhi).

Chiều 11.1, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thầy Mang Đức Hạnh kể: “Cách nay mấy tháng, trong một lần tắm tại đây tôi cũng đã vô tình đạp chân trúng vào mình con cá rất to. Tôi có nói với mọi người nơi này có cá mập, nhưng nhiều người nghĩ tôi hù dọa nên không ai tin”.

Về vết thương của thầy Hạnh, theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, cần theo dõi thêm vài ngày nữa để xem vết thương (đã được bệnh viện tuyến trước cắt lọc, xử lý, khâu da) có bị nhiễm trùng hay không, đồng thời làm thêm một số xét nghiệm, điện cơ, kiểm tra xem dây thần kinh trụ bị đứt hay mất đoạn (hiện dây thần kinh này bị liệt), mức độ tổn thương ra sao... mới tiến hành làm vi phẫu nối dây thần kinh trụ.

Thanh Tùng

Khi 2 người đang bơi song song cách bờ khoảng 15m, thì có một con cá to chạm vào khuỷu tay chị Hạnh. Chị Hạnh hốt hoảng la lớn gọi tôi bơi ngay vào bờ. Chưa kịp xoay trở, tôi đã bị con cá đớp vào bàn chân trái, đau buốt vì máu ra nhiều. Tôi cố hết sức vùng vẫy rút chân ra khỏi miệng con cá và gắng bơi vào bờ để vào bệnh viện khâu vết thương. Bác sĩ bảo bị đứt gân ngón chân”.  

Theo chị Hồng, trước đó một ngày, cũng tại bãi tắm này có một người đàn ông đụng phải con cá to khi đang tắm, nhưng chưa rõ là cá gì. Người đã từng đụng con cá to đó chính là thầy giáo Mang Đức Hạnh, giáo viên Trung tâm Thí nghiệm thực hành (trường ĐH Quy Nhơn). Thầy Hạnh sau đó vẫn đi tắm biển thường xuyên và đến chiều 9.1.2010 vừa qua thì trở thành một nạn nhân của cá dữ.

Theo lời thầy Hạnh, khi mới xuống bơi được chừng 10m, bất ngờ thầy bị cá tấn công cánh tay phải. Thương tích nặng nhất ở đoạn khuỷu tay. Sau khi được mổ cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, thầy Hạnh được chuyển ngay trong đêm vào khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp tục điều trị. “Khi cắn vào tay, lập tức con cá kéo tôi dìm xuống nước, tôi phải dùng chân đạp vào thân con cá để giật tay ra. Da con cá này hơi trơn, nặng chừng 35 - 40 kg. Tôi chắc chắn 100% đó là cá mập”.

Cùng bị cá dữ tấn công ngày 9.1 là một nạn nhân khác công tác tại ĐH Quy Nhơn: thạc sĩ Nguyễn Minh Tuân, giảng viên khoa Lý luận Chính trị. Đến chiều 11.1, thạc sĩ Tuân vẫn còn đang điều trị thương tích tại khoa Ngoại (Bệnh viện Quân y 13). Vết cá cắn ở tay trái (vào sáng 9.1, khi đang bơi cách bờ khoảng 100m) có đường kính đến hơn 20 cm, phần cơ banh toác đã được khâu lại nhiều mũi vòng quanh cẳng tay. Thạc sĩ Tuân nói ông chỉ nhìn thấy phần lưng con cá có màu xanh xám, dài gần 1m. Trước khi thạc sĩ Tuân bị tấn công, cá dữ đã đớp bị thương nhẹ vào chân một phụ nữ (ngụ ở đường Ngô Mây, TP Quy Nhơn). Chị này sau khi vào Bệnh viện Quân y 13 sơ cứu đã về nhà...

Cá lạ tấn công người tắm biển ảnh 2

Vết thương ở tay ông Tuân thể hiện rất rõ dấu của một hàm cá mập - ảnh: Đ.P

Sẽ thưởng cho người bắt được cá dữ

Đến thời điểm hiện nay, chưa thể xác định được những nạn nhân nói trên bị một hay nhiều cá thể cá tấn công.

Ông Thái Ngọc Bích, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, sau khi xem hình ảnh vết thương cá cắn do PV cung cấp, tỏ ra rất lo lắng và nhận định “rất có thể là do cá mập cắn”. “UBND thành phố đang tìm cách xử lý. Cần phải xác định loại cá này ở vùng biển Quy Nhơn là đơn lẻ, hay sống theo bầy đàn. Có thể có một con bơi vào gần bờ và gây ra các vụ cắn người. Nếu các ngư dân chủ động săn bắt được thì sẽ có khen thưởng. Chúng tôi cũng sẽ quyết liệt giải quyết dứt điểm, chứ để kéo dài sẽ rất ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt và hoạt động du lịch”, ông Bích nói.

Trong một động thái khác, hôm qua 11.1, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cũng liên hệ với Viện Hải dương học tại Nha Trang nhờ vào cuộc xác định chính xác loại cá dữ cũng như số lượng cá thể để cùng đưa ra hướng giải quyết hiệu quả. Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết: “Ngày mai (12.1), tôi và các chuyên gia về cá của viện sẽ trực tiếp ra Quy Nhơn tiếp xúc các nạn nhân, ngư dân và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định. Sau khi nắm bắt kỹ các thông tin liên quan, chúng tôi sẽ cùng với chính quyền thành phố, Sở Khoa học - Công nghệ, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định... đưa ra hướng xử lý cụ thể”.

Cá mập tấn công người

Theo Cơ sở dữ liệu Quốc tế về Cá mập tấn công người (ISAF) thuộc Phòng Nghiên cứu hải dương Mote ở Florida, Mỹ, mỗi năm trên thế giới có vài chục vụ cá mập tấn công người được ghi nhận. Năm 2000 xảy ra nhiều vụ nhất trong 20 năm trở lại đây với 79 vụ, trong đó có 16 trường hợp thiệt mạng. Từ 2001 tới 2008, mỗi năm có khoảng từ 50 tới 70 vụ tấn công, với số người chết không quá 4 người mỗi năm. Mỹ là quốc gia có nhiều vụ cá mập tấn công người nhất, tiếp theo là Úc và Nam Phi. ISAF cho biết trung bình mỗi năm cá mập giết chết 1 người, còn con người giết chết khoảng 100 triệu con cá mập. Người ta giết cá mập để lấy thịt, đặc biệt là lấy vây nấu súp.

Trong lịch sử, có một số vụ cá mập tấn công người hàng loạt ở vùng gần bờ được ghi nhận. Từ ngày 1 đến 12.7.1916, cá mập đã tấn công vùng biển gần bờ bang New Jersey của Mỹ, khiến 4 người chết và 1 bị thương. Tiểu thuyết Hàm cá mập của nhà văn Peter Benchley xuất bản năm 1974 lấy cảm hứng từ các vụ tấn công trên. Tiểu thuyết này sau đó được chuyển thể thành phim cùng tên, do đạo diễn Steven Spielberg dàn dựng.

Trong gần 400 loại cá mập thì cá mập trắng lớn, cá nhám hổ, cá mập bò, cá mập đầu vây trắng là những loại thường tấn công người hơn cả. Trong đó, cá mập đầu vây trắng thường tấn công ở vùng biển sâu ngoài khơi xa, cá nhám hổ và cá mập trắng lớn đôi khi tấn công gần bờ.

C.M.L

Ngư dân tính kế

Theo ông Bùi Ngọc Trung, một ngư dân ở P.Trần Phú, TP Quy Nhơn, khoảng những năm 1985 - 1986, ông thường nhìn thấy cá heo và cá mập rượt cắn nhau ở khu vực biển gần đảo Nhơn Châu và khu vực Bãi Xép (TP Quy Nhơn). Ông Trung nhận định: “Cá dữ cắn người tắm biển vừa qua chỉ có thể là cá mập gành, hoặc mập nhám. Vào tầm mùa xuân đến mùa hè, thời điểm biển êm thì nó vào cách bờ khoảng trên 100m để sinh sản, nhưng có lẽ do nó đã cắn nhiều người, quen mùi máu rồi nên mới “liều mạng” tiến sát gần bờ như thế”.

Một bộ phận ngư dân Quy Nhơn những ngày qua cũng sôi nổi bàn cách vây bắt cá mập ở bãi biển quê nhà vì “nếu bắt được vừa góp phần đảm bảo an toàn cho người tắm biển, vừa có tiền khi đem bán con cá này. Có nhiều cách vây bắt, nhưng thường thì dùng lưới (loại lưới đặc dụng săn bắt cá mập), câu mồi (mồi màu sáng, nhiều chất tanh để dễ dụ cá mập)”, ông Trung nói. “Kinh nghiệm của ngư dân chúng tôi cho thấy loại cá mập rất tinh khôn, dù dùng cách gì cũng không dễ bắt được nó, đôi lúc phải nhờ vào may mắn. Nhưng tôi sẽ rủ anh em đi vây bắt thử xem sao”, ngư dân Bùi Ngọc Trung nói.

Theo Đình Phú (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm