Tham gia hội nghị có đại diện của Ban Giám đốc Sở Tư pháp, lãnh đạo Phòng Tư pháp 24 quận, huyện, các tổ TGPL, Hội Luật gia, thành viên Tổ giúp việc Hội đồng phối hợp liên ngành TP.HCM, cộng tác viên TGPL và các cán bộ viên chức của trung tâm.
Tại hội nghị, ông Lê Minh Phúc và ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Giám đốc Trung tâm báo cáo tổng kết công tác TGPL năm 2016 và đưa phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
Theo báo cáo, trong năm 2016, Trung tâm TGPL đã đạt được những thành công đáng kể. Trung tâm đã trợ giúp 10.658 vụ việc cho 10.658 người (thuộc diện trợ giúp chiếm 55%). Những thành tích nổi bật phải kể đến như Trung tâm đã chủ động tiếp cận các vụ việc liên quan đến người được TGPL được thông tin trên báo, đài; chủ động tiếp cận và thực hiện đại diện ngoài tố tụng làm giấy tờ tùy thân cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; rà soát và công bố công khai 7 thủ tục hành chính về TGPL;…
Tại hội nghị, trung tâm cũng đã tổ chức tặng giấy khen của Sở Tư pháp cho 37 tập thể, 46 CTV tại quận, huyện và 69 CTV là luật sư đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác TGPL năm 2016.
Tặng giấy khen của Sở Tư pháp cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc. Ảnh: YC
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Nguyễn Minh Chánh - Giám đốc trung tâm nhận thấy còn những hạn chế như CTV còn kiêm nhiệm, TGPL lưu động còn nặng về hình thức,… Từ đó trung tâm đã đưa ra phương hướng hoạt động trong năm 2017.
Quảng cảnh buổi hội nghị. Ảnh: YC
Cũng tại hội nghị, báo cáo viên-ThS Nguyễn Thị Thùy Dung báo cáo những điểm mới của BLDS 2015. Trong khuôn khổ hội nghị, bà Dung đã trao đổi 10 điểm mới cơ bản, trong đó đáng chú ý tại BLDS 2015, gồm:
Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì chưa có điều luật để áp dụng
Quy định này đã được ghi nhận ở các nước tiến bộ và đây là lần đầu tiên được quy định trong BLDS của Việt Nam.
Trong trường hợp vụ án chưa có điều luật quy định, tòa án sẽ vận dụng tập quán, tương tự pháp luật, án lệ,… để giải quyết chứ không được từ chối giải quyết vụ án. Bà Dung cho rằng đây là quy định rất tiến bộ, vừa tạo sự linh hoạt cho thẩm phán vừa đảm bảo quyền lợi của người dân.
Bổ sung khái niệm người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Một khái niệm mới được luật hóa: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự.
Cá nhân có quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính
BLDS 2015 bổ sung thêm quyền nhân thân: người bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác có quyền xác định lại giới tính, cá nhân có quyền chuyển đổi giới tính theo quy định của luật.
Giao dịch dân sự không tuân thủ hình thức không bị vô hiệu
BLDS 2005 quy định: giao dịch dân sự vi phạm về hình thức nếu phát sinh tranh chấp, tòa án sẽ buộc các bên thực hiện quy định về hình thức trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.
Nay, BLDS 2015 quy định: giao dịch dân sự đã được xác lập phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng theo luật hoặc vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Không được trả đơn khởi kiện vì lý do hết thời hiệu khởi kiện?
BLDS 2015 quy định: Tòa án không được quyền trả đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do hết thời hiệu khởi kiện khi một trong các đương sự không yêu cầu.
Theo quy định này, chỉ khi các đương sự có yêu cầu thì tòa án mới xem xét và áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện. Theo bà Dung, đây là quy định hay, cho thấy pháp luật tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự.
Thêm 2 biện pháp bảo đảm NVDS
Quy định cũ đưa ra 7 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. BLDS 2015 đã bổ sung 2 biện pháp mới là Bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản.
Trong hợp đồng mua bán, bên bán có quyền bảo lưu quyền sở hữu tài sản cho đến khi bên mua thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán.
Còn cầm giữ tài sản là việc bên có quyền đang nắm giữ hợp pháp tài sản được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Đã quy định cụ thể mức lãi suất vay
Trên thực tế, tranh chấp hợp đồng vay tài sản xảy ra rất phổ biến. BLDS 2005 quy định: Lãi suất vay không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Nếu không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ.
Theo bà Dung, quy định trên gặp rất nhiều bất cập vì phải xác định mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Quy định mới tại BLDS 2015 đã giải quyết được vấn đề đó khi quy định: lãi suất vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên.