Cá tra miền Nam đổ bộ ra Bắc

Để giảm bớt tác động của dịch COVID-19, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) đang tính toán nhiều hướng đi mới. Trong đó giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa với 100 triệu dân đầy tiềm năng đang được nhiều nhà kinh doanh áp dụng.

Phát triển kênh bán hàng mới

Dịch COVID-19 đã và đang khiến hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê, trong năm tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra giảm đến 39% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc đều bị sụt giảm mạnh. Các đối tác hủy đơn hàng khiến một lượng lớn cá tra bị tồn kho.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, phải từ quý III-2020 ngành hàng cá tra mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Để khắc phục những khó khăn trước mắt, các DN phát triển song song hoạt động xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong nước. Đặc biệt, nhiều DN cá tra miền Nam bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường miền Bắc.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp), cho hay công ty đang đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa. Hoạt động xuất khẩu rất mạnh nhưng không vì thế mà công ty bỏ ngỏ thị trường trong nước.

“Chúng tôi thâm nhập thị trường trong nước từ lâu rồi nhưng mới chỉ tập trung ở khu vực miền Nam, miền Trung. Người miền Nam rất thích ăn cá tra. Cá tra thơm, ngon hơn cá trắm cỏ, cá chép. Mỗi ngày họ có thể ăn 300-500 tấn cá tra trở lên” - ông Hùng cho biết.

Riêng với thị trường miền Bắc hoàn toàn mới mẻ với thị hiếu ẩm thực khác những khu vực còn lại trên đất nước, do đó nhiều công ty chuyên cá tra như Hùng Cá, Tập đoàn Nam Việt, Công ty Xuyên Việt... đều muốn nhân cơ hội này phát triển kênh bán hàng mới.

Bà Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm, tiết lộ qua đợt xúc tiến thương mại vừa qua, công ty đã kết nối được với một số công ty đưa cá tra vào chuỗi sản phẩm sạch nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng Hà Nội.

“Với người dân miền Bắc, cá tra là thực phẩm còn mới lạ. Mới lạ vì họ chưa biết, chưa quen. Nhưng tôi tin với món ăn thơm, ngon, giàu dinh dưỡng như cá tra, mức giá lại hợp lý và được tuyên truyền nhiều thì chắc chắn người tiêu dùng miền Bắc sẽ đón nhận” - bà Yến tự tin.

Giới thiệu cá tra miền Tây tại thị trường Hà Nội. Ảnh: AN HIỀN

Dựng chuỗi trái cây bán trong nước

Không riêng gì ngành thủy sản, giá trị xuất khẩu rau quả trong năm tháng đầu năm chỉ đạt 1,5 tỉ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt trong tháng 5 vừa qua, thị trường nhiều loại trái cây có xu hướng giảm mạnh.

Đơn cử, dịch COVID-19 khiến việc xuất khẩu sầu riêng bị ngưng trệ, giá giảm 15.000-20.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Chôm chôm cũng giảm mạnh xuống 6.000 đồng/kg trong khi mức giá này năm ngoái là 15.000 đồng/kg. Giá chanh, giá mít… cũng lao dốc mạnh.

Sắp có lễ hội ẩm thực thịt gà

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT, tới đây, tại Bình Định sẽ diễn ra lễ hội ẩm thực thịt gà và các sự kiện quảng bá du lịch ẩm thực bên lề lễ hội. Sự kiện do Bộ NN&PTNT chủ trì.

Tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Cần Thơ cũng sẽ diễn ra chuỗi phiên chợ nông sản an toàn của các hợp tác xã. Đây là những hoạt động có ý nghĩa, giúp các nhà kinh doanh có cơ hội kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra nhiều tác động khó khăn. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU..., cho biết: Trong bối cảnh nhiều ngành nghề đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của Vina T&T cũng giảm 20%-30% nhưng không nặng nề như các đơn vị khác. Lý do là trong bối cảnh dịch bệnh, Vina T&T thực hiện kế hoạch mới là mở rộng các cửa hàng trái cây nội địa để giới thiệu tới người tiêu dùng.

“Chúng tôi tập trung phát triển chuỗi ở thị trường trong nước, trước mắt là TP.HCM. Hiện những cửa hàng này buôn bán rất tốt, nhất là các sản phẩm như nhãn, chôm chôm, dưa hấu, xoài” - ông chủ T&T vui vẻ tiết lộ.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cũng nhìn nhận để giảm bớt khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu giảm sút, một số DN, hợp tác xã đã định hướng kết nối mạnh mẽ vào thị trường nội địa, tìm cách ký kết hợp đồng với các siêu thị trong nước. Tuy nhiên, số lượng đơn vị chuyên xuất khẩu có thể quay sang thị trường nội địa là không nhiều vì bán nội địa đòi hỏi nhiều công sức.

“Bên cạnh một số công ty mở chuỗi, mở cửa hàng giới thiệu trái cây nội địa khá thành công như Vina T&T thì có thể kể đến một mô hình mới là các DN nhập khẩu trái cây nước ngoài về bán trong nước” - ông Nguyên nói.

Thiếu vắng thương hiệu Việt Nam

Bộ Công Thương nhận định thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Nguyên nhân do quy mô dân số lớn với khoảng 96 triệu người, cơ cấu dân số trẻ; dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020.

Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt. Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng cao cấp thiếu vắng thương hiệu Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm