Ngày 13-3, phiên tòa vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) tiếp tục phần tranh luận. Sau phần luận tội của VKS, các bị cáo đều kêu oan, còn luật sư (LS) cho rằng mức án đề nghị gây sốc.
Các bị cáo nói không phạm tội
Tự bào chữa, bị cáo Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc Navibank) kêu oan, cho rằng hành vi của mình không cấu thành tội. Trước đó, VKS cho rằng ông Trí là người quyết định gửi tiền, giả cách bằng các hợp đồng tiền gửi nên cần tuyên mức án cao hơn các bị cáo khác, đề nghị xử phạt 14-15 năm tù.
Ông Trí thừa nhận trong quá trình điều hành ngân hàng thường không tránh khỏi thiếu sót, tuy nhiên việc thiếu sót không phải là hành vi cố ý làm trái và không gây ra hậu quả. Theo cáo buộc, Navibank có chủ trương cho vay nhưng bị cáo bác bỏ rằng không có chủ trương cụ thể. Bị cáo Trí nói: “Và nếu có chủ trương như vậy thì hội đồng tín dụng cũng không có quyền đưa ra chủ trương. Đây chỉ là nghiệp vụ cho vay cá nhân cầm cố bằng giấy tờ có giá là hợp đồng tiền gửi. Mặt khác, nếu có chủ trương đi gửi tiền ngân hàng khác thì cũng không có luật nào cấm như vậy”.
Theo ông Trí, việc giao dịch của nhân viên Navibank tại VietinBank Chi nhánh (CN) TP.HCM là giao dịch hợp pháp, ký hợp đồng tiền gửi, đóng dấu thật. Navibank giao dịch với pháp nhân VietinBank chứ không giao dịch với cá nhân nào. “Hợp đồng tín dụng với số tiền gửi sang VietinBank CN Nhà Bè đã được thu hồi; còn với số tiền gửi sang VietinBank CN TP.HCM, hợp đồng tín dụng không có biên bản gì” - bị cáo tiếp lời.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HY
Bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên trưởng phòng Pháp chế Navibank, người mời 13 LS bào chữa) cho rằng mình không ký biên bản khoản tiền vay nên không có trách nhiệm liên quan khoản tiền gửi tại VietinBank. Hiền trình bày: “Tôi chỉ là người làm công ăn lương, tôi không vi phạm pháp luật. Tôi còn có gia đình, mẹ già, con nhỏ phải chăm sóc, gia đình hết sức khó khăn, sáu người chỉ trông đợi vào đồng lương ba cọc ba đồng của chồng tôi. Nếu tôi đi tù 8-9 năm thì gia đình tôi sẽ như thế nào? Do đó, tôi cầu khẩn thiết tha xin HĐXX xem xét cho tôi không phải chịu án hình sự…”.
Bị cáo Cao Kim Sơn Cương (nguyên phó tổng giám đốc Navibank) tự bào chữa: “Chúng tôi cố ý làm trái để làm gì, không hề có động cơ để làm như vậy, do đó chúng tôi không có tội. HĐQT Alco (hội đồng quản lý nợ) chỉ là hội đồng tư vấn, việc trao đổi bên lề không hề có sự chấp thuận hay ý chí của các thành viên. Như vậy, tôi không vi phạm về quy định kinh tế”. Bị cáo chốt: “Đây là trò lừa của VietinBank, kính mong HĐXX xem xét lại một cách công tâm, khách quan về nguyên nhân, hậu quả gây ra”.
Còn bị cáo Nguyễn Hồng Sơn (cũng là nguyên phó tổng giám đốc Navibank) thành khẩn mong HĐXX xem xét, đồng thời đề nghị VietinBank cung cấp sao kê có chữ ký để làm rõ vụ án.
Luật sư nói các bị cáo hoang mang
Một LS bào chữa nói: “Khi nhận các mức án đề nghị, các bị cáo đã vô cùng hoang mang và phía gia đình các bị cáo cũng vô cùng đau buồn”. LS này cho rằng trong quá trình khai báo các bị cáo đã rất thành khẩn, tuy nhiên lại bị xem là không thành khẩn, yêu cầu HĐXX cân nhắc lại vấn đề này.
Các LS khác trong khi bào chữa cũng đề nghị HĐXX kiểm tra lại các chứng cứ một cách đầy đủ để đưa ra một phán quyết công tâm. Theo quan điểm của các LS, căn cứ để đề xuất mức án cho các bị cáo chưa thực sự rõ ràng và thỏa đáng. Theo họ, thân chủ không phạm tội như cáo trạng quy kết.
Lập luận của các LS chủ yếu là hành vi của các bị cáo không vi phạm các quy định của Nhà nước. Về hậu quả, tại phiên tòa, các bị cáo và đại diện ngân hàng khẳng định họ không bị thiệt hại. Số tiền 200 tỉ đồng mà bản án phúc thẩm quy kết cho bị án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt là không đúng. Theo họ, số tiền này VietinBank chính là người đang nắm giữ tại tài khoản của bốn nhân viên Navibank đã gửi vào. Hành vi của các bị cáo không phải là nguyên nhân chính gây mất 200 tỉ đồng như cáo trạng nêu.
Tòa đã nhận được quyết định xóa tên luật sư Phạm Công Út Cuối buổi xử sáng liên quan đến việc một LS bào chữa trong vụ án bị xóa tên khỏi đoàn LS hôm qua (12-3), HĐXX thông báo: “Tòa đã nhận được quyết định của Đoàn LS TP.HCM về việc ông Phạm Công Út, nay LS nào bào chữa thì thông báo cho HĐXX để tòa có kế hoạch”. Liên quan đến vấn đề này, ngay trong ngày có quyết định, ông Út cho biết rút, không tham gia bào chữa tại phiên xử nữa (ông là người bào chữa cho 8/10 bị cáo). Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án này không phải chỉ có một LS bào chữa. Theo quy định, bị cáo có từ hai người bào chữa trở lên thì việc một người bị chấm dứt tư cách bào chữa vẫn còn các LS khác thực hiện việc này. |