Các Đại biểu Quốc hội tranh luận về Nhà nước thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ

(PLO)-  Các Đại biểu Quốc hội cho rằng Nhà nước có thể thu hồi đất nhưng giá bồi thường, hỗ trợ phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-11, sau khi thông qua hai luật Dầu khí (sửa đổi) và Thanh tra (sửa đổi) Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự luật được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi nhằm khắc phục những bất cập về quản lý, sử dụng và tranh chấp đất đai tồn tại nhiều chục năm qua.

Các đại biểu tuyệt đại đa số tán thành với những định hướng sửa đổi Luật Đất đai vốn tuân theo nguyên tắc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng được ghi trong Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII mới đây. Các vấn đề về phạm vi điều chỉnh, thu hồi đất, sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ sử dụng đất… được các ĐB đề cập rải rác trong các phát biểu của mình.

Bổ sung các lĩnh vực thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, cộng đồng

ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng thu hồi đất cho các dự án vì lợi ích quốc gia, cộng đồng được thực hiện theo phương án nhà nước đứng ra thu hồi, giải toả, bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước...

“Rõ ràng các dự án phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu quy hoạch, nằm trong lĩnh vực được khuyến khích thì dù là có nhằm cho lợi ích cụ thể của doanh nghiệp, là lợi nhuận nhưng vẫn nhằm cho lợi ích quốc gia. Do vậy không thể nói DN có lợi nhuận nhiều, phát triển trong lĩnh vực nhiều tiềm năng lại chỉ có lợi ích của riêng họ.

Chính sự phát triển của dự án đó sẽ nâng cao năng lực, nâng cao tiềm năng phát triển của tất cả các địa phương, của cả nước. Nên rất khó nói một doanh nghiệp hoạt động tốt, tạo ra năng lực cạnh tranh cao lại không có đóng góp cho sự phát triển của lợi ích quốc gia, công cộng”, ông Lộc phân tích.

ĐB Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị nên có các cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai khác. Ảnh: QH

ĐB Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị nên có các cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai khác. Ảnh: QH

Ông đề nghị bổ sung các công trình văn hoá, thể thao, phát triển du lịch, các dự án cho giáo dục- đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế... và lưu ý: “Còn rất nhiều lĩnh vực cần phải quan tâm, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn lực về đất đai”.

Ông đề ra giải pháp hoặc là quy định luôn các lĩnh vực trong luật này hoặc giao cho Chính phủ quy định danh mục cho phù hợp với từng giai đoạn.

ĐB Lộc cũng nhất trí bỏ khung giá đất, trao quyền quyết định bảng giá, mức giá cụ thể hàng năm cho chính quyền các địa phương và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn định giá và hội đồng thẩm định giá, quyền quyết định thuộc về UBND.

“Vừa rồi một số ĐB phát biểu tôi đồng tình, vì vậy để nghị QH cân nhắc hai phương án. Một là thành lập cơ quan xác định giá riêng độc lập với cơ quan hành chính, có thể trực thuộc Quốc hội hoặc HĐND các cấp. Giống như cơ quan kiểm toán, đứng ngoài hệ thống hành chính. Phương án khác là giao cho chủ tịch UBND”, ông nói.

Ông cũng cho rằng Nhà nước nên dựa trên cơ sở doanh nghiệp và dân thỏa thuận về giá đất để phê duyệt phương án. Còn với những dự án thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận đa số 70-80% hộ dân đồng ý với phương án đó thì chính quyền phê duyệt phương án giá như dân và doanh nghiệp thỏa thuận bảo đảm để doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai dự án một cách thuận lợi hơn.

Doanh nghiệp thỏa thuận được với dân thì tốt, nhưng…

Trước đó, ĐB Đào Hồng Vận (Hưng Yên) tranh luận với nhiều ĐB về thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Ông nói: “Doanh nghiệp thoả thuận được với người dân thì rất tốt nếu người dân đồng thuận. Tuy nhiên, để làm rõ điều này cần phải trao đổi rất kỹ. Tôi không biết Bộ TN&MT đã khảo sát, đánh giá theo điều 73 Luật Đất đai hay chưa.

Tuy nhiên, hiện tại địa phương của tôi rất khó thực hiện và đang gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi bỏ ra số tiền rất lớn để đền bù nhưng không thể đưa dự án vào thực hiện do một số người dân đòi giá thoả thuận rất cao, cao gấp nhiều lần so với người được đền bù trước đó”.

ĐB Đào Hồng Vận nói có khi đền bù gây mâu thuẫn trong nội bộ người dân vì người được cao, người được thấp. Ảnh: QH

ĐB Đào Hồng Vận nói có khi đền bù gây mâu thuẫn trong nội bộ người dân vì người được cao, người được thấp. Ảnh: QH

Ông Vận nói tiếp: “Có những trường hợp giá nào cũng không chịu. Nếu chấp thuận đền bù sẽ gây mâu thuẫn ngay trong nội bộ người dân, vì người được cao, người được thấp”.

ĐB Hưng Yên nêu khía cạnh khác. Chẳng hạn đối với dự án phát triển nhà ở, đô thị thương mại, đấu giá sử dụng đất, dự thảo lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu giá, đấu thầu, trường hợp này Nhà nước đương nhiên phải tổ chức giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch đấu giá. Nếu như vậy Nhà nước sẽ khó thực hiện việc thỏa thuận.

“Theo tôi, Nhà nước có thể thu hồi đất nhưng giá đền bù, hỗ trợ phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông Vận nêu quan điểm.

ĐB Dương Văn Phước đề nghị Nhà nước phải dùng quyền lực của mình trong thu hồi đất đai trong những trường hợp không thỏa thuận được để giải quyết ách tắc. Ảnh: QH

ĐB Dương Văn Phước đề nghị Nhà nước phải dùng quyền lực của mình trong thu hồi đất đai trong những trường hợp không thỏa thuận được để giải quyết ách tắc. Ảnh: QH

Thừa nhận điều ĐB Vận nêu ra là thực tế, nhưng ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng ông Vận chưa đưa ra được hướng giải quyết.

Theo ĐB Phước, về bản chất, việc xác định giá đất chưa được quy định cụ thể. Nếu cứ theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì việc gây ách tắc, cản trở là một thực tế và không thể phát huy nguồn lực đất đai. Vì vậy, quy định mới phải giải quyết được vấn đề phát huy quyền sử dụng đất theo chủ trương của Đảng là phải thương mại hoá quyền sử dụng đất, đồng thời sử dụng quyền năng của chủ sở hữu về đất đai của nhà nước để giải quyết việc cản trở nguồn lực đất đai.

“Vì mục tiêu phát triển, Nhà nước cần phải sử dụng quyền năng sở hữu đất đai để định đoạt, giải quyết những vấn đề không thể thoả thuận. Nghĩa là trên cơ sở dữ liệu về giá đất của từng vùng, giá đất đã được thoả thuận trong cộng đồng dân cư có dự án, Nhà nước buộc các hộ phải thực hiện thoả thuận.

Nếu như không thì Nhà nước sử dụng quyền sử dụng đất của mình để tổ chức cưỡng chế giao cho nhà đầu tư hoặc tổ chức đấu thầu. Có như thế mới giải quyết được ách tắc trên thực tế”, ông Phước nêu quan điểm.

Chiều nay, 14-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm