Hiện có nhiều ý kiến tranh luận về vị trí của môn Lịch sử trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, biên soạn theo hướng tích hợp, trong đó môn Lịch sử trở thành một phân môn của các môn, như: Tìm hiểu xã hội, Khoa học Xã hội và Nhân văn, hoặc Giáo dục công dân.
Trong khi Bộ Giáo dục khẳng định tích hợp như thế là xu hướng chung của thế giới thì phần lớn nhà sử học lại cho rằng chẳng có ai tích hợp như thế, làm thế là giết chết môn Lịch sử, phải coi Lịch sử là môn độc lập, bắt buộc.
Các ý kiến ủng hộ của nhà sử học, chủ yếu vì một nước có hơn 4.000 năm lịch sử mà môn Lịch sử lại không có vị thế riêng trong chương trình!? Ngược lại, các ý kiến ủng hộ Bộ Giáo dục lại nhấn mạnh rằng tích hợp là phù hợp với triết lý giáo dục hiện đại và xu hướng chung của thế giới.
Tôi không phải là chuyên gia về chương trình giáo dục phổ thông, càng không phải là chuyên gia về lịch sử, nhưng cũng thấy tò mò, liền lên mạng thử xem. Đọc qua chương trình quốc gia (National Curriculum) của một số nước thì thấy đúng là đang có xu hướng tích hợp thật, nhưng cách tích hợp có khác nhau:
Anh vẫn duy trì Lịch sử như là môn độc lập bắt buộc cho đến hết stage 3 (lớp 9 - khoảng 14 tuổi), sau đấy vẫn coi là môn độc lập (không tích hợp với môn nào cả), nhưng cho lựa chọn, theo định hướng nghề nghiệp.
Pháp tích hợp và chỉ ở mức độ thấp (tích hợp với môn Địa Lý), nhưng vẫn coi là môn học bắt buộc từ lớp 6 đến hết 12.
Mỹ và Australia tích hợp nhiều nhất (với các phân môn Địa lý, Kinh tế, Giáo dục công dân), nhưng càng lên cao thì mức độ tích hợp càng ít đi và mức độ lựa chọn tăng lên (tương tự như chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ở châu Á thì Nhật Bản là nước tích hợp Lịch sử vào môn Tìm hiểu xã hội từ rất sớm và hiện nay trong chương trình THPT Nhật Bản, Lịch sử Nhật Bản là một môn lựa chọn (nên 40% học sinh THPT Nhật Bản không học), còn môn Lịch sử thế giới thì một phân môn bắt buộc của môn "Địa lý và Lịch sử" (được tách khỏi môn Tìm hiểu xã hội cũ, cùng với môn Giáo dục công dân từ những năm 1990).
Tuy nhiên gần đây, dưới áp lực của xã hội, chính phủ và Hội đồng giáo dục quốc gia Nhật Bản xem xét sửa đổi chương trình để từ năm 2019, môn Lịch sử sẽ trở thành môn bắt buộc trong chương trình THPT.
Vì sao có sự khác biệt tương đối giữa Anh, Pháp với Mỹ và Australia về cách thiết kế và tích hợp môn lịch sử? Phải chăng là các nhà làm chương trình của Anh, Pháp "bảo thủ" đối với triết lý giáo dục "tích hợp" hơn Mỹ và Australia? Vì sao Nhật đang muốn đưa môn Lịch sử trở lại thành môn độc lập bắt buộc trong trường THPT?
Theo tôi, xét về lịch sử thì Anh, Pháp có lịch sử lập quốc hàng nghìn năm, nội dung môn Lịch sử rất phong phú, vì vậy nếu tích hợp rộng theo kiểu Mỹ, Australia thì chương trình sẽ phá vỡ tính hệ thống, tính liên tục của dòng chảy lịch sử. Do đó, mặc dù biên soạn theo hướng tích hợp, nhưng chương trình trung học của các nước này không tích hợp môn Lịch sử (như Anh) hoặc tích hợp vừa phải (như Pháp).
Ngược lại, Mỹ và Australia là những nước mới có chừng khoảng 200 năm lịch sử, nội dung môn Lịch sử không nhiều (thậm chí có những sự kiện họ muốn lờ đi, không nói đến), nếu để riêng một môn thì chiếm quá nhiều thời lượng, vì vậy các nước này đã tích hợp vào một môn chung với nhiều phân môn khác như đã nói. Sự lựa chọn này là có lý do.
Việc Nhật Bản đang có ý định đưa Lịch sử trở lại thành môn độc lập bắt buộc trong chương trình THPT, tức là chuyển từ cách thiết kế môn Lịch sử theo kiểu Mỹ, Australia sang kiểu của Anh và Pháp, chủ yếu là do áp lực xã hội về nhu cầu giáo dục lịch sử đối với học sinh. Việc một nước Nhật Bản có hàng nghìn năm lịch sử mà có đến 40% học sinh THPT Nhật Bản không đăng ký học môn Lịch sử (như là môn tự chọn) là một điều mà đa số người dân Nhật không chấp nhận, buộc chính phủ phải xem xét thay đổi.
So sánh với các hướng tích hợp trên đây, có thể thấy dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn hướng tích hợp môn Lịch sử theo kiểu của Mỹ và Australia (nhập môn Lịch sử vào các môn "Tìm hiểu Xã hội", "Khoa học Xã hội và Nhân văn” và “Giáo dục công dân” cùng với nhiều phân môn khác) hơn là chọn theo hướng của Anh và Pháp (thiết kế Lịch sử như một môn độc lập tuyệt đối (độc lập, bắt buộc), hoặc tương đối (độc lập lựa chọn hoặc tích hợp với Địa lý).
Câu hỏi đặt ra là, với Việt Nam - một đất nước trải qua hàng ngàn năm lịch sử (với đầy đủ các thời kỳ phát triển từ tiền sử, cổ đại đến trung đại, cận đại và hiện đại) mà chọn cách thiết kế và giảng dạy môn Lịch sử theo kiểu Mỹ, Australia - những quốc gia có lịch sử lập quốc mới chỉ hơn 200 năm, chứ không chọn cách của Anh, Pháp, những quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử như Việt Nam, thì có nên hay không? Việc tích hợp này có làm cho học sinh coi nhẹ môn lịch sử dân tộc, có phá vỡ tính hệ thống, tính liên tục của dòng chảy lịch sử (đặc biệt là lịch sử dân tộc, nội dung mà giới trẻ ngày nay đang coi nhẹ) hay không và liệu kết quả của nó có xảy ra như đã xảy ra đối với Nhật Bản hay không?
Tôi xin chuyển câu hỏi trên đến Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà làm chương trình.
Hiện nay, môn Lịch sử với Tiếng Việt - Văn học, Toán đều được coi là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Nhưng theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc". |