Tối 31-8 (giờ Việt Nam), Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Mỹ) tổ chức buổi thảo luận trực tuyến công bố báo cáo kết quả phiên “Đối thoại chính sách kênh 1.5 Đối tác Mekong-Mỹ về chủ đề Buôn lậu và Tội phạm mạng" đã diễn ra hồi tháng 5.
Tội phạm gia tăng chóng mặt
Theo báo cáo, các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong khu vực sông Mekong ngày càng sử dụng nhiều nền tảng trực tuyến thực hiện nhiều hình thức lừa đảo và buôn lậu mới. Trong những năm gần đây, khu vực gần như bị khủng hoảng khi chứng kiến loạt vụ buôn người do các trung tâm lừa đảo có hang ổ ở Đông Nam Á thực hiện, với nạn nhân đến từ hơn 30 quốc gia cả trong lẫn ngoài khu vực.
Điều này tương đồng với báo cáo trước đó của Liên Hợp Quốc rằng nhiều người bị lừa bán đến các trung tâm tội phạm lừa đảo ở Đông Nam Á, và nạn nhân của các trung tâm lừa đảo nói trên có xuất thân chủ yếu từ các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Nam Á, thậm chí từ châu Phi và các nước khu vực Mỹ Latinh. Bên cạnh đó, theo Trung tâm Stimson, tỉ lệ nạn nhân của nạn buôn người để làm lao động cưỡng bức đã tăng gần gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2020 tại khu vực.
Ngoài ra, tình trạng buôn lậu ma tuý cũng ngày càng gia tăng ở các nước tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là sau sự kiện hồi tháng 2-2020 ở Myanmar. Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Phòng chống Ma tuý và Tội phạm (UNODC), việc sản xuất và buôn lậu ma tuý đá (methamphetamine) đã tăng mạnh kể từ năm 2022.
Các túi ma tuý đá trong sự kiện tiêu huỷ ma tuý lần thứ 50 ở tỉnh Ayutthaya (Thái Lan) hồi năm 2020. Ảnh: REUTERS |
Một vấn đề khác khiến nhiều nước đau đầu trong việc xử lý là vấn nạn buôn lậu động thực vật hoang dã. Theo báo cáo phiên Đối thoại, có rất nhiều chiến lược và kế hoạch hành động cấp quốc gia và khu vực nhằm giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã, chẳng hạn như Kế hoạch hành động hợp tác ASEAN về Công ước CITES và Thực thi pháp luật về động thực vật hoang dã. CITES là công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp được ký kết tại Washington DC (Mỹ) vào năm 1973, còn được gọi là Công ước Washington.
Theo đó, các nhà tài trợ đã chi hàng trăm triệu USD cho các dự án chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, nhiều yếu tố – bao gồm mức độ nhận thức thấp, khả năng phát hiện và truy tố thấp, cũng như việc thực thi pháp luật yếu kém – đã hạn chế việc triển khai trên thực tế các nỗ lực nói trên. Kết quả là phần lớn các loài động vật hoang dã quý hiếm ở khu vực sông Mekong đã bị tuyệt chủng.
Sự phối hợp đa phương là then chốt
Trước tình hình trên, các chuyên gia đã đề xuất hợp tác đa quốc gia để đối phó loạt vấn đề từ tội phạm mạng đến các loại hình buôn lậu. Trước hết, các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế (chẳng hạn như Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế - Interpol) nên cung cấp các chương trình đào tạo về tội phạm mạng cho các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp hình sự trên khắp tiểu vùng sông Mekong. Mục đích của hoạt động này là giúp các cơ quan nói trên truy bắt đúng người, đúng tội, không oan sai, đặc biệt liên quan vấn đề phạm tội do bị cưỡng bức, ép buộc.
Ngoài ra, các nước trong khu vực nên tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu, lập bản đồ để giúp các cơ quan thực thi pháp luật kịp thời nắm bắt sự bành trướng của tội phạm mạng xuyên quốc gia. Các cơ quan như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), UNODC, Interpol,... cần đào tạo các đối tác ở khu vực Mekong trong việc tăng cường năng lực theo dõi dòng tiền nhằm truy vết hiệu quả hành vi buôn lậu, rửa tiền.
Buổi đào tạo các kiến thức liên quan vấn đề tội phạm mạng khu vực diễn ra tại Phnom Penh năm 2016. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN MỸ TẠI CAMPUCHIA |
Bên cạnh đó, các chính phủ cũng cần xem xét tăng cường năng lực và nguồn lực cho chính quyền địa phương để chống lại mọi hình thức buôn người và hỗ trợ nạn nhân buôn người trong các đặc khu kinh tế. Các tổ chức lừa đảo và tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thường cố tình hoạt động ở những khu vực mà chính quyền địa phương có thẩm quyền hạn chế, chẳng hạn như đặc khu kinh tế. Chính phủ các nước Mekong nên xem xét trao cho chính quyền địa phương tiếp cận tốt hơn các khu vực này, đặc biệt thẩm quyền thanh tra lao động.
Liên quan buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, các bên cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân không mua bán, sử dụng động thực vật hoang dã cho mục đích tín ngưỡng truyền thống. Các tín ngưỡng văn hóa lâu đời liên quan đến động vật hoang dã như việc sử dụng nguyên liệu động vật trong y học cổ truyền hoặc phóng sanh có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã.
Huấn luyện kiểm lâm Thái-Lào tại Vườn quốc gia Khao Yai ở Thái Lan. Ảnh: USAID ASIA |
Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ nên hợp tác với các nhà lãnh đạo tôn giáo để giúp giáo dục công chúng về tác hại lâu dài của việc phóng sanh, giết hại hoặc hiến tặng động vật hoang dã. Các tổ chức giáo dục nên mở các chương trình giảng dạy y tế toàn diện và mang tính khoa học hơn về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã và các lựa chọn thay thế hiện đại cho y học cổ truyền.
Tội phạm xuyên quốc gia là vấn đề nan giải và không chỉ nằm gói gọn trong phạm vi biên giới tiểu vùng sông Mekong, do đó cần sự phối hợp, chung tay của Mỹ và các tổ chức quốc tế để cùng đối phó vấn nạn này, ông Dan Caroll - Quyền Trưởng phòng châu Á của Cục Thực thi Pháp luật và Ma túy Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ tối 31-8.