Những ngày này ở các giáo xứ, giáo khu trong TP như Bùi Phát - Vườn Xoài (quận 3), Ông Tạ (Tân Bình), Bình Thái - Bình An (quận 8), Tân Lập (quận 2)... khắp các ngõ xóm đã rộn rịp làm hang đá, treo đèn dây, đèn chùm trên các cây thông giả khổng lồ khiến cư dân các khu vực chung quanh dẫu là ngoại đạo cũng háo hức không kém.
Vui niềm vui chung
Còn cả tuần nữa mới đến Giáng sinh nhưng ngay hôm nay nếu đến khu vực giáo xứ Bình Thái - Bình An trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, đoạn từ cầu Nhị Thiên Đường chạy đến hết đường dài hàng mấy cây số hai bên đường đèn hoa rực rỡ. Hay khu vực ngãba Ông Tạ - đặc biệt trong các con hẻm lớn giáo xứ An Lạc, đường Phạm Văn Hai; khu nhà thờ Chí Hòa đường Bành Văn Trân, đường Nghĩa Phát, đường Nghĩa Hòa… hoặc xa hơn như giáo xứ Tân Lập, Bình Trưng Đông, quận 2 cũng rộn rịp hẳn lên, gần như đầu ngõ nào cũng có hang đá kết từ giấy bồi, giấy nhũ, đèn dây chuẩn bị kéo dài cả cây số.
Không chỉ các quán cà phê, quán ăn ở khu trung tâm mà cả nhiều nơi trong TP, nhiều quán cũng đã chuẩn bị xong những cây thông to và đèn dây vây kín. Không khí Giáng sinh chộn rộn làm những bạn trẻ nôn nao, nhiều bạn đã lên kế hoạch “ăn Nô-en”, tùy túi tiền và sắp xếp thời gian. Không có gà tây thì các bạn dự kiến mua ngỗng, ngan gì đó. Truyền thống “ăn Nô-en” ở Sài Gòn đã có từ trước năm 1975. Tôi nhớ hồi đó mặc dù đám bạn ở chung gác trọchúng tôi là người ngoại đạo nhưng có vài bạn gái là người có đạo nên mới đầu tháng 12 cả bọn đã “bày trò tính kế ăn Nô-en” thế nào cho xôm tụ.
Khắp các xứ đạo đang nhộn nhịp trang trí, sửa soạn đón mừng lễ Giáng sinh. Trong ảnh: Giáo xứ Phú Trung, quận Tân Bình làm hang đá trước nhà thờ. Ảnh: HTD
Tôi gọi điện thoại cho ông bạn chủmột doanh nghiệp tư nhân ngành in đang bàn giao dần công việc cho con trai. Tôi hỏi ông có muốn “gầy mâm” với vài người bạn cũ không. Ông ôkê liền, bảo sẽ gom đám bạn già lại “ăn Nô-en” như ngày xưa. Anh rất vui được “bao trọn gói”. Một anh bạn nhà văn vốn đã bỏbút từ lâu vừa qua post lên mạng Facebook bìa một tờ tạp chí đặc biệt số Giáng sinh bốn mươi mấy năm trước mà anh còn giữ. Lũ cháu tôi cũng rất thích cái bìa tờ tạp chí vẽ hình một cô bé rất ngây thơ bên một cây thông thẳng tắp. Một cô cháu đang làm cho một công ty thiết kế thời trang “chôm” ngay ý tưởng “cô bé trên bìa tạp chí”, dự định thiết kế một bộ trang phục mùa Noel đặc sắc cho riêng nó để đi “chơi Nô-en” khỏi đụng hàng.
Và giấu nỗi buồn riêng
Những ngày cuối năm, tôi đến thăm một người bạn vừa dọn về ở gần một xóm đạo nghèo, dân cư gốc người Bắc rất cần cù. Bây giờ vẫn còn một số nhà trồng rau, làm dưa đem ra chợbán. Cả chăn nuôi lẻ tẻ, vài con heo, năm bảy con gà, con ngan. Bà trùm Nén ở cạnh nhà bạn tôi, làm nghề muối dưa và nuôi vài ba con ngan, con ngỗng. Tôi hỏi bà nuôi ngỗng chi cho nó làm ồn cả xóm vậy. Thật bất ngờ khi nghe bà bảo cái truyền thống “ăn Nô-en” của người Việt mình là phải có ngỗng. Tây họ“ăn Nô-en” bằng gà tây, ta “ăn Nô-en” bằng ngỗng. Ông trùm khi còn sống dặn kỹ là phải luôn nuôi vài con để mừng lễGiáng sinh. Ông trùm trước kia là người giữ nhà thờ, ông bị bệnh nan y, tiền bạc hai vợchồng già dành dụm bao năm theo căn bệnh ông bay mất. Khi ông “về với Chúa” - như lời bà trùm, không con cái, bà sống một mình “chờ Chúa gọi”.
Bà bảo vợchồng bà về ở chỗnày đã sáu mươi mấy năm, đã “ăn Nô-en” với từng ấy con ngỗng. Tôi hỏi mua một con ngỗng để gửi tặng một ông bạn ơn nghĩa dưới Bình An, quận 8 để“ăn Nô-en” nhưng bà không bán. Bà bảo bà sẽ làm hai con vào đêm thánh để mừng Chúa giáng sinh và sẽ mời cả xóm cùng “ăn Nô-en” như khi ông trùm còn sống. Tôi rất cảm động nhớ về một cách “ăn Nô-en” của người Sài Gòn xưa.