Hiện nay, dịch vụ thanh toán trực tuyến tăng mạnh, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì tính tiện lợi và công nghệ hiện đại. Bên cạnh tính tiện lợi, người tiêu dùng nếu không cẩn thận và chưa hiểu hết những tính năng bảo mật thì rất dễ bị mất tiền trong tài khoản.
Nhất là thời điểm cận tết, nhu cầu mua sắm online càng cao, các chủ tài khoản càng cần chủ động tìm hiểu các cách bảo vệ tài khoản của mình trong các giao dịch thanh toán điện tử.
Tìm hiểu kỹ tính năng thẻ trước khi sử dụng
Chị Thu Tâm, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết trước đây chị sử dụng thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch là chủ yếu. Thời gian gần đây, chị chọn phương thức thanh toán chuyển khoản, cà thẻ, quét mã QR. Không chỉ có tài khoản lương qua thẻ ATM, chị còn có thẻ tín dụng quốc tế, thẻ tín dụng nội địa… Mặc dù được nhân viên ngân hàng tư vấn kỹ về tính năng bảo mật thẻ nhiều lớp nhưng trên thực tế vẫn xuất hiện nhiều trường hợp tiền trong tài khoản chủ thẻ bị “bốc hơi” lúc nửa đêm với các giao dịch online.
“Ngân hàng cấp hạn mức cho thẻ tín dụng của tôi cao, nếu người dùng không cẩn thận, thiệt hại tài sản lớn đối với chủ thẻ là rất lớn” - chị Tâm nói.
Khách hàng nên thực hiện đầy đủ các tính năng bảo mật thẻ để đảm bảo an toàn tài khoản. Ảnh: TL |
Chị Tố An, quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết thêm trước đây chị có đăng ký mua một gói dịch vụ học tiếng Anh cho trẻ em qua app và thanh toán qua ví điện tử có kết nối với thẻ thanh toán nội địa (ATM) của một ngân hàng. Sau một năm sử dụng, gói dịch vụ này tự động trừ tiền trên thẻ mà không cần xác thực của chủ tài khoản. Số tiền mà chị bị trừ là 630.000 đồng. Chị đã liên hệ với bên đơn vị ví điện tử để tìm hiểu nguyên nhân thì được biết do chị đã không hủy chức năng gia hạn thanh toán nên đến kỳ thanh toán tiếp theo tài khoản sẽ tự động khấu trừ.
Theo chị An, để đảm bảo quyền lợi của mình, người dùng thẻ nên tìm hiểu đầy đủ các tính năng của thẻ, nhất là các tính năng an toàn để bảo vệ tài khoản của mình.
Bảo vệ ví online như ví tiền cầm tay
Ông Phạm Đức Duy, Giám đốc Trung tâm thẻ, Ngân hàng Sacombank, cho biết tài khoản thanh toán cũng chính là ví tiền của khách hàng. Bạn quản lý ví tiền cầm tay của mình cẩn thận cỡ nào thì khi sử dụng tài khoản thanh toán cũng cần phải chủ động tìm hiểu thật tường tận các biện pháp bảo mật thẻ như vậy”.
“Khi mất thẻ, chủ tài khoản cần gọi lên tổng đài để yêu cầu khóa thẻ tạm thời. Nhưng có cách đơn giản hơn là bạn có thể thực hiện việc khóa thẻ tạm thời và mở khóa thẻ ngay trên app. Hiện nay, gần như tất cả ngân hàng đều kết hợp tính năng này trên ứng dụng Mobile banking. Thao tác này chỉ mất của người làm lần đầu 1-2 phút, còn những ai đã thành thục thì chỉ tốn vài giây” - ông Phạm Đức Duy nói.
Là một người thường xuyên sử dụng tính năng khóa thẻ tạm thời, anh Trần Thanh Hải ở quận 9 chia sẻ: Khi mở thẻ và tài khoản ngân hàng, mỗi khách hàng sẽ được cung cấp một thẻ cứng và một số tài khoản. Số thẻ có thể dùng để chuyển khoản hoặc dùng để thanh toán hóa đơn trực tuyến, mua hàng online. Trong khi đó, số tài khoản chỉ có thể dùng để nhận tiền và chuyển khoản. Khi khóa thẻ tạm thời, mọi giao dịch rút tiền, thanh toán mua bán trực tuyến bằng số thẻ sẽ không thể thực hiện được nhưng các giao dịch chuyển tiền và nhận tiền online bằng số tài khoản vẫn hoạt động bình thường.
“Vì vậy, không chỉ khi mất thẻ (thẻ ATM, thẻ tín dụng...) tôi mới sử dụng đến tính năng khóa thẻ tạm thời trên mobile banking, mà tôi luôn có thói quen khóa thẻ khi không có nhu cầu thanh toán qua thẻ, khi cần sẽ mở khóa. Cách làm này thoạt nghe sẽ thấy mất thời gian, phức tạp nhưng thực chất chỉ tốn vài giây nhưng đem lại cho tôi cảm giác an tâm hơn rất nhiều. Những thói quen này giúp tôi giảm thiểu rủi ro khi sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến” - anh Hải nhấn mạnh.
Chị Tố An cho biết thêm sau sự cố bị trừ tiền trên thẻ, chị đã có thói quen tắt tính năng tự động gia hạn đối với các sản phẩm, dịch vụ cho dùng thử miễn phí. Thói quen này giúp tôi không bị tính phí vào ngày thanh toán tiếp theo hoặc khi gói dùng thử kết thúc.
Thêm một kinh nghiệm thực tế cho thấy có không ít khách hàng khi thanh toán dịch vụ ăn uống ở nhà hàng, quán ăn… thì luôn có thói quen đưa thẻ tín dụng cho nhân viên phục vụ quẹt giùm. Thay vào đó, chủ thẻ nên trực tiếp cà thẻ thanh toán để đảm bảo không lộ, lọt thông tin thẻ.•
Bảo vệ ví tiền online như thế nào?
Là người thường xuyên sử dụng, thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử, chị Mai Khánh ở quận 3 chia sẻ kinh nghiệm sử dụng thẻ ngân hàng của chị.
Theo chị Khánh, nếu bị mất thẻ nội địa ATM, kẻ gian muốn sử dụng thẻ để mua hàng thì cần khai báo mật khẩu. Nhưng với thẻ tín dụng lại khác, loại thẻ này khi mua hàng trực tuyến, hệ thống chỉ yêu cầu nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực, ngày hết hạn và mã xác thực thẻ (CVV/CVC). Tất cả thông tin cần và đủ đều được in ở mặt trước và mặt sau của thẻ tín dụng. Nếu để lộ toàn bộ những thông tin kể trên thì nguy cơ bị đánh cắp thông tin thẻ và phát sinh những giao dịch gian lận là rất lớn.
“Để an toàn, tôi luôn ghi nhớ ba chữ số cuối ở mặt sau thẻ tín dụng, rồi xóa hoặc dán kín lại. Cách này không ảnh hưởng đến việc thanh toán trực tiếp. Nếu bị mất thẻ, kẻ gian cũng “bó tay”, không thể chi tiêu online được do thiếu thông tin mã xác thực. Đây cũng là cách bảo vệ ví tiền online của mình” - chị Mai Khánh nói. PV