Su hào chứa nhiều vitamin và carotenoids, một chất chống oxy hóa có tác dụng ngừa ung thư ruột kết và tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, hàm lượng chất khoáng, nhất là kali, trong su hào giúp duy trì độ kiềm trong máu cũng như phòng tránh nhiều bệnh tật. Có nhiều cách chế biến su hào, như dùng làm món ăn (nấu canh, chiên, xào, trộn gỏi...) hoặc ép lấy nước uống.
Trong su hào có nhiều chất xơ khiến bạn cảm thấy mau no. Hình minh họa.
Thực phẩm giúp giảm cân
Trong 100g su hào có đến 91g nước và 3,6g chất xơ nên đây là thực phẩm lý tưởng cho những người ăn kiêng. Ngoài ra, su hào còn chứa hợp chất gây ức chế sự chuyển hóa của đường và các carbohydrates khác thành chất béo, có tác dụng tốt đối với việc giảm cân. Kết hợp su hào cùng các nguyên liệu khác, như nấu canh với thịt bò, xào với nấm, rau củ, làm salad, trộn gỏi với tai heo, tôm... trong thực đơn hàng tuần, bạn sẽ giảm được lượng calo nạp vào mà vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Ngừa bệnh ung thư ruột kết và tuyến tiền liệt
Cũng như các loại rau củ khác thuộc họ cải bắp, su hào chứa nhiều hóa chất thực vật như sulforaphane, indole-3-carbinol và asisothiocyanates. Đây là những chất kháng oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa các gốc tự do, bảo vệ cơ thể chống bệnh ung thư tuyến tiền liệt và ruột kết.
Tốt cho tim mạch
Lượng kali dồi dào có trong su hào giúp kiểm soát tốt nhịp tim và giảm những nguy cơ liên quan đến vấn đề tim mạch. Vì thế, bạn hãy uống nước su hào sau khi tập những bài thể dục về tim mạch để đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, với hàm lượng phospho cao, nước su hào khi kết hợp với nước táo xanh cũng giúp giảm cholesterol xấu trong cơ thể.
Tăng cường sức đề kháng
Su hào rất giàu vitamin C, một chén su hào có thể cung cấp đủ lượng vitamin C cơ thể cần trong một ngày. Khi thời tiết giao mùa, thực phẩm giàu vitamin C có thể giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng ngừa các bệnh cảm cúm, ho, mệt mỏi... Ngoài ra, vitamin C còn giúp ngăn ngừa lão hóa, mang đến cho bạn làn da tươi trẻ.
Phòng bệnh hen suyễn
Các chất kháng oxy hóa có trong su hào giúp chống lại bệnh hen suyễn và những vấn đề về phổi. Bạn có thể chế biến su hào thành món ăn, hoặc kết hợp với cà rốt, cần tây và táo xanh làm thành thức uống bổ dưỡng.
Hỗ trợ tiêu hóa
Với lượng chất xơ dồi dào, su hào không chỉ mang lại cảm giác no lâu mà còn là thực phẩm tốt cho đường ruột, trị táo bón, đầy hơi. Khi có vấn đề về tiêu hóa, một ly nước ép su hào, cà rốt, táo xanh và cần tây sẽ giúp bạn giảm cảm giác khó chịu.
Chọn mua và bảo quản su hào
Khi mua su hào, nên chọn những củ có kích thước từ trung bình đến nhỏ và nặng vì su hào non thường ngọt và mềm hơn. Để bảo quản su hào, hãy cắt bỏ lá và không rửa nước, cất trong túi nhựa cho vào tủ lạnh để ăn trong vòng một tuần lễ.
Khi làm nước ép su hào, hãy rửa sạch và cắt thành miếng nhỏ phù hợp với máy ép, không cần gọt vỏ. Bạn có thể kết hợp su hào với các loại trái cây khác làm thành thức uống bổ dưỡng.
Lưu ý: Su hào có thể chứa goitrogens, các hợp chất thực vật thường gặp trong các loại rau họ cải bắp như bông cải, súp lơ… có thể gây sưng tuyến giáp. Vì thế, những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp nên hạn chế dùng su hào.