Cách nào để đón làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc?

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có chiến lược thu hút FDI mới với hạ tầng tốt hơn để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI về công nghệ cao gắn với phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ câu chuyện đầu tư lâu dài của các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tại Việt Nam (VN) trong hàng thập niên qua, nhiều ý kiến nhận định cần có chiến lược thu hút FDI mới với hạ tầng tốt hơn. Đây là nền tảng thu hút và giữ chân dòng vốn FDI về công nghệ cao gắn với phát triển bền vững ở VN.

Cần xây khu công nghiệp xanh, thông minh

Theo TS Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia kinh tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hầu hết tập đoàn lớn của Hàn Quốc vào VN từ những năm 1990 đến nay vẫn đang hoạt động tốt và liên tục đầu tư thêm. Dòng vốn FDI Hàn Quốc cũng đi vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau tại nước ta.

Các công nhân làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Samsung (TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: Q.HUY

Các công nhân làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Samsung (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Ảnh: Q.HUY

“Trước đây, các DN Hàn Quốc chủ yếu đầu tư công nghiệp sản xuất. Ngày nay, họ cũng đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, bán lẻ, giải trí…” - ông Nghĩa cho hay.

Theo ông Nghĩa, dòng vốn FDI Hàn Quốc đang cho thấy những dấu hiệu tích cực và hợp tác bền vững ở nước ta. Chiến lược thu hút FDI mới của VN từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 không còn là câu chuyện ưu đãi, đất đai… mà là chính sách ưu tiên về đầu tư lĩnh vực công nghệ cao gắn với phát triển bền vững.

“Theo tôi, VN cần có chính sách thu hút FDI tập trung vào chiều sâu sáng tạo, những ngành công nghiệp công nghệ cao. Cần loại bỏ những dòng vốn FDI vào lĩnh vực thâm dụng lao động, ảnh hưởng đến môi trường, nhất là những ngành nghề lệ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cũng cho rằng để thu hút được dòng vốn FDI vào những mảng công nghệ cao, có chiều sâu hơn, xanh hơn thì VN cần xây dựng được nền tảng hạ tầng phục vụ kinh tế như hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics.

TS Bùi Thanh Luân, Hội Tự động hóa TP.HCM, Giám đốc Công ty Cơ điện tử Hiệp Phát, cũng cho rằng cần phải xem lại chính sách thu hút FDI ở các địa phương. Không nên chạy đua theo số lượng, kiểu thành tích, mà cần sàng lọc những dòng vốn FDI đầu tư vào những ngành công nghiệp công nghệ cao hoặc những lĩnh vực xác định là mũi nhọn của địa phương.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện nay cũng đầu tư nhiều cho ngành bán lẻ ở Việt Nam. Ảnh: T.UYÊN

Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện nay cũng đầu tư nhiều cho ngành bán lẻ ở Việt Nam.
Ảnh: T.UYÊN

“Như lĩnh vực FDI Hàn Quốc đầu tư cần đặt ra tiêu chí mới sẽ tăng được hiệu suất lao động. Nghĩa là làm sao để người lao động nước ta có cơ hội nâng cao trình độ tay nghề thì hưởng thu nhập cao hơn. Từ đó, hạn chế những dòng vốn FDI đem tới hiệu suất lao động thấp, lương công nhân thấp” - ông Luân phân tích.

Ưu tiên sử dụng lao động chất xám cao

TS Bùi Thanh Luân cho rằng cần ưu tiên những DN Hàn Quốc hoặc các nhà đầu tư FDI vào VN sử dụng nhiều lao động có chất xám cao.

Ông Luân dẫn chứng chính sách thu hút FDI của Trung Quốc. Chẳng hạn, họ đặt mua số lượng lớn máy bay nhưng đặt điều kiện là nhà máy sản xuất phải đặt tại Trung Quốc. Điều kiện đi kèm là chỉ được sử dụng 30% lao động, chuyên gia nước ngoài, còn 70% phải sử dụng lao động Trung Quốc.

“Vì vậy, các DN FDI buộc phải có kế hoạch đào tạo lao động chất lượng cao tại Trung Quốc để đáp ứng các điều kiện đặt ra. Với chính sách FDI trên, Trung Quốc hiện nay đã tự sản xuất được máy bay thương mại” - ông Luân thông tin.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN (Kocham), đánh giá VN là một trong những điểm đến đầu tư quan trọng của các DN Hàn Quốc. Chính sách thu hút đầu tư của VN rất thiện chí và được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện.

Tuy nhiên, thời gian qua VN có một số cơ chế quản lý nhà nước thay đổi đột ngột, chặt chẽ quá mức khiến nhà đầu tư lo ngại. Chẳng hạn, thủ tục cấp giấy phép PCCC, thực tế không nhất thiết phải yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn các nước trong khu vực. Để tuân thủ những tiêu chuẩn mới này, nhiều DN sẽ phải tăng chi phí đầu tư và mất nhiều thời gian chờ đợi để được phê duyệt.

Bên cạnh đó, những hạn chế trong chính sách lao động, cấp visa, thẻ tạm trú cũng gây trở ngại cho nhà đầu tư. Đơn cử, việc cấp visa cho nhà đầu tư nước ngoài với thời hạn cấp phép ngắn, thủ tục gia hạn phức tạp.

Vì thế, để tăng cường thu hút đầu tư, VN cần cải thiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy phép. Từ đó, giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm đầu tư kinh doanh, làm ăn lâu dài tại VN. Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư FDI, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng phải phát triển tương xứng.

Cần cải thiện cơ sở hạ tầng

Ông Nguyễn Văn Bé, chuyên gia khu công nghiệp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho rằng: Để đón làn sóng đầu tư mới từ các tập đoàn Hàn Quốc cũng như dòng vốn FDI nói chung, các tỉnh/thành phải cải thiện cơ sở hạ tầng bao gồm giao thông, viễn thông, năng lượng. Bên cạnh đó, các địa phương cần cải thiện hạ tầng cảng biển, dịch vụ khai thác kho bãi cảng, dịch vụ logistics.

Đồng thời, các địa phương cần điều chỉnh lại chính sách để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất nhưng theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc chứ không phải bằng mọi giá.

“Như TP.HCM đã có cơ chế đặc thù thì ngoài chính sách thu hút, TP cần phải đồng hành cùng DN, luôn trong tâm thế sẵn sàng nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng nhanh nhất các yêu cầu của họ.

Các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất phải hết sức chủ động để giữ chân và thu hút đầu tư. Nếu gặp vướng mắc thì ban quản lý đó phải nghiên cứu, xem xét, cái nào cần TP tháo gỡ phải báo cáo ngay” - ông Bé nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm