Cuộc hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến, chuẩn bị cho việc sửa hai Luật Tổ chức Chính phủ và Chính quyền địa phương.
Việc nhỏ cũng đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ
Theo ông Thang Văn Phúc, Nguyễn Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010 đã xác định, vấn đề quan trọng số một là cải cách thể chế, định rõ và thay đổi được chức năng của Chính phủ, chính quyền các cấp. Theo đó, Chính phủ chỉ làm chính sách, làm pháp luật, làm khung thể chế, còn lại, cụ thể thực hiện là ở chính quyền địa phương.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc
“Quan điểm cải cách là rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền. Trung ương làm việc của Trung ương; việc của địa phương làm thì địa phương phải chịu trách nhiệm”- ông Phúc nhấn mạnh và cho rằng, lần sửa luật này phải phân định rõ Chính phủ, Trung ương làm gì; địa phương làm gì.
Là người từng có thời gian dài tham gia vào quá trình xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, ông Phúc cho biết, ông theo đuổi vấn đề này từ Hội nghị Trung ương 7 năm 1999. Ngay từ khi đó, Đảng đã đặt ra vấn đề hợp nhất các bộ, ngành theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Ông cũng từng đề xuất, trong 2001 – 2010, bộ máy sắp xếp còn dưới 20 bộ là hợp lý. “Các nước phát triển chỉ có 10- 12 bộ, đặc biệt có Thuỵ Sỹ chỉ 7 bộ”- ông Phúc dẫn chứng.
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ cũng cho rằng việc xử lý mối quan hệ Chính phủ – Thủ tướng – Bộ trưởng rất quan trọng, nếu không rõ thì mọi chuyện, dù là việc rất nhỏ, đều đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ làm đúng chức trách của mình, làm vĩ mô, chính sách, những vấn đề lớn, chiến lược. Điều hành là Thủ tướng, nhưng điều hành trên từng lĩnh vực là Bộ trưởng, người đứng đầu từng ngành lĩnh vực, chứ không phải lại trình lên Thủ tướng”- ông Phúc nêu quan điểm và cho rằng, nếu không rành mạch thì không rõ người, rõ việc, không xử lý được thì cuối cùng là tập thể hết.
“Tập thể thì khó xử lắm và không phát hiện được nhân tài”- ông Phúc nói.
Đồng tình, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, tư tưởng cải cách là làm sao để càng lên trên càng ít việc, chứ không phải càng lên trên càng nhiều việc như hiện nay.
Cũng theo ông Liên, phải quy định có việc có người chính, người phụ và quy định rõ nguời chủ trì trách nhiệm đến đâu, người phối hợp chịu trách nhiệm tới đâu. “Không thể để dung dăng dung dẻ dắt tay nhau”- ông Liên ví von.
Tuy nhiên, ông Liên cho rằng, không thể nói phân cấp trong Chính phủ, bởi Chính phủ là một tập thể gồm nhiều thành viên. Thành viên Chính phủ có hai trách nhiệm: cùng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, đồng thời, bản thân họ phải chịu trách nhiệm riêng trong lĩnh vực của mình. “Phải đề cao như vậy mới bỏ được khoản kính thưa với báo cáo, vì trách nhiệm không rõ ràng và sợ trách nhiệm”- ông Liên nói.
Cần phân định thẩm quyền mạnh cho địa phương
“Trong con mắt nhân dân hiện nay, bộ máy chính quyền cồng kềnh nhiều cấp, bị phân mảnh quá nhiều. Một nước 1,5 tỉ dân như Trung Quốc có 34 tỉnh, chúng ta có 63 tỉnh, thành với 712 huyện và hơn 11.000 xã. Vừa nhiều cấp, vừa phân mảnh, trong khi điều phối chung của Trung ương đang yếu...”- nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu thực tế và cho rằng, đây là lý do khiến hiện nay, mấy trăm huyện không đạt 50% tiêu chí về dân số và diện tích (theo Nghị quyết 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên
“Muốn Chính phủ làm việc lớn thì phải tính đến mối quan hệ giữa Chính phủ và địa phương và tinh thần là phân định thẩm quyền mạnh cho địa phương, Trung ương chỉ tập trung vào những việc lớn”- ông Liên nói đồng thời thừa nhận, “bây giờ nói thật là chúng ta còn ôm đồm nhiều quá, sinh ra quan liêu, sinh ra cơ chế xin- cho, không kiểm soát được thì sinh ra tiêu cực”.
Cũng đề cập đến việc phân quyền cho địa phương, PGS.TS Phạm Hồng Thái, nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội đặt vấn đề: “Cái gì đã giao cho địa phương rồi thì xin mời Trung ương không được can thiệp. Nếu có, tôi có thể khởi kiện ra tòa án. Mình có dám đi đến cùng thế không?”. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, nếu không đi đến cùng như vậy thì làm gì cũng phải xin ý kiến bên trên, đẩy việc lên.
“Các anh nói trách nhiệm chính trị, nhưng không xác định đấy là việc của họ, không cho họ quyền khởi kiện nếu bên trên can thiệp vào việc đã giao quyền cho họ, thì vướng họ cứ đẩy lên trên”- ông Thái nói.