Tưởng chừng đề xuất dừng nhập khẩu máy đào tiền ảo của Bộ Tài chính khiến nhà đầu tư chùn tay. Thế nhưng thị trường mua bán “trâu cày” - máy đào tiền ảo vẫn diễn ra nhộn nhịp, số lượng các “chuồng trâu” vẫn mọc lên.
Bị dọa “trảm”, “trâu cày” tiền ảo vẫn nhộn nhịp
Đại diện Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan TP.HCM cho biết tính từ đầu năm 2018 đến nay đã làm thủ tục cho 3.664 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo nhập khẩu về TP.HCM. Trong đó có bốn doanh nghiệp nhập khẩu hơn 3.000 máy, số còn lại do các cá nhân, tổ chức không có mã số thuế nhập khẩu.
Đáng chú ý có nhiều loại máy nhưng chủ yếu là máy tính xử lý dữ liệu tự động bitcoin và máy tính xử lý dữ liệu tự động Antminer. Ngoài ra, có một số máy thuộc dạng máy chủ server ảo… Máy đào tiền ảo chủ yếu được nhập từ Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một công ty tại TP.HCM từ đầu năm 2018 đến nay đã làm thủ tục nhập khẩu gần 2.300 máy. Doanh nghiệp này quảng cáo rằng khách hàng có thể mua nhiều loại máy đào khác nhau như máy khai thác bitcoin, ETH, Litecoin, Dash… Không chỉ vậy khách hàng còn được nhân viên hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng máy cũng như lựa chọn loại tiền ảo “đạt hiệu quả cao nhất”.
Số lượng máy đào tiền ảo nhập khẩu về chủ yếu tập trung tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Ảnh: QH. Ảnh nhỏ: Khách hàng giao dịch tiền ảo bitcoin tại một quán cà phê ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nói thêm về vấn đề này, anh Nguyễn Tình, chuyên mua bán máy đào tiền ảo tại quận 9, TP.HCM cho hay số lượng máy đào tiền ảo nhập về ngày càng nhiều, nguồn cung dồi dào nên giá các máy đào tiền ảo mới khoảng 45-50 triệu đồng/máy, thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2017 lên tới 70-80 triệu đồng/máy.
“Tuy nhiên, nếu việc tạm dừng nhập được áp dụng trên thực tế, giá máy đào tiền ảo sẽ tăng trở lại vì nguồn cung khan hiếm” - anh Tình dự báo.
Ông Minh Đức, chủ một “chuồng trâu” đào tiền ảo ở quận Tân Phú, TP.HCM nói giá các đồng tiền ảo thời gian qua xuống thấp nên các “thợ đào” nhỏ lẻ đã tháo chạy. Song các nhà đầu tư lớn vẫn bám trụ và đặc biệt website đầu tư, mua bán, trao đổi các loại tiền ảo vẫn hoạt động rất nhộn nhịp. Vì thế máy đào tiền ảo có đất sống.
Khó “diệt” lừa đảo đa cấp tiền ảo
Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất Chính phủ dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo. Theo Bộ Tài chính, máy đào tiền ảo không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu, không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hóa gây mất an toàn nên doanh nghiệp được nhập khẩu theo nhu cầu.
Tuy nhiên, thời gian qua việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, Litecoin cho mục đích khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác.
Cũng theo Bộ Tài chính, vụ tố lừa 15.000 tỉ đồng thông qua tiền ảo xảy ra tại TP.HCM mới đây là điển hình cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý khi có tới hơn 32.000 người đã bị nghi lừa thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin. Chính vì vậy để ngăn chặn kịp thời các sự vụ khác có thể xảy ra, trước mắt Bộ Tài chính đề xuất tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo kể trên.
Nước cấm, nước mở Hàn Quốc đang thắt chặt việc quản lý kinh doanh với tiền ảo. Những người giao dịch bitcoin ở Hàn Quốc phải khai báo với chính quyền hoặc đối mặt với truy tố hình sự. Trong khi Trung Quốc đang phát triển đồng tiền ảo riêng, được kiểm soát và điều chỉnh bởi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Các nước như Singapore, Nhật Bản, Mỹ… lại chấp nhận tiền ảo với việc đưa ra các quy định về mua bán đồng tiền này. |
“Vấn đề này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với việc nhập khẩu và sử dụng mặt hàng này” - đại diện Bộ Tài chính nói.
Thế nhưng đại diện một công ty công nghệ thông tin nhận định nếu cấm nhập nguyên chiếc máy đào tiền ảo thì các đơn vị nhập khẩu có thể sẽ lách bằng cách chuyển sang nhập dạng linh kiện (gồm VAG, mainboard, CPU, bộ cứng SSD, bộ Gam) rồi về lắp ráp. “Do đó giao dịch mua bán máy đào tiền ảo vẫn diễn ra dù có tạm dừng nhập. Còn các hoạt động đầu tư tiền ảo trên các sàn giao dịch không bị ảnh hưởng” - vị đại diện công ty trên phân tích.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho rằng việc tạm dừng nhập máy đào tiền ảo không giải quyết được vấn đề lừa đảo tiền ảo mà chỉ hạn chế số lượng máy vào Việt Nam. Còn những máy đào đang hoạt động sẽ tiếp tục hoạt động vì không thể cấm được.
“Thay vì cấm, để quản lý hoạt động tiền ảo, Việt Nam cần có quy định cụ thể về tiền ảo, định nghĩa rõ ràng tiền ảo là gì và có chế tài đối với từng trường hợp. Bên cạnh đó, buôn bán đa cấp được nước ta cho phép và họ có thể dùng tiền ảo như sản phẩm. Vì vậy, để ngăn chặn xử lý những công ty đa cấp tiền ảo lừa đảo thì cần kiểm tra chặt các công ty đa cấp đăng ký hoạt động liên quan tiền ảo, nếu vi phạm phải chế tài mạnh tay” - ông Hiếu đề xuất.
Đã có 15.600 máy đào tiền ảo nhập vào Việt Nam Tổng cục Hải quan thông tin từ năm 2017 đến nay đã có đến 15.600 máy đào tiền ảo được nhập khẩu vào Việt Nam. Trong đó gồm máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ. Trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết khi có thông tin người dân mua máy đào bitcoin và xuất hiện các vụ việc phức tạp, Thủ tướng đã yêu cầu đẩy mạnh quản lý. Vì thế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra văn bản không công nhận bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác là đồng tiền sử dụng hợp pháp ở Việt Nam. Theo NHNN, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. |