“Chủ trương cấm xe tải từ năm tấn trở lên (tạm gọi là xe tải nặng) lưu thông ở ba đoạn quốc lộ (TP.HCM dài 5,7 km, Long An dài 2,8 km và Tiền Giang dài 2,4 km) vào giờ cao điểm sáng, chiều đã phạm vào các nguyên tắc của Luật Giao thông đường bộ”.Ngày 23-11, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, nhấn mạnh với Pháp Luật TP.HCM về kế hoạch cấm xe ở các đoạn trên quốc lộ 1 vừa nêu của Cục Quản lý đường bộ IV.
Nguy cơ gia tăng tai nạn
Theo ông Việt, đoạn quốc lộ 1 từ TP.HCM đến Mỹ Tho dài hơn 70 km, nối liền TP.HCM, Long An và Tiền Giang. Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, đoạn quốc lộ này có vị trí đặc biệt quan trọng đối với hoạt động và phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Tây và vùng Nam Bộ nên phải đảm bảo nguyên tắc liên tục, an toàn và thời gian hành trình ngắn nhất.
Khi cấm thì nguyên tắc liên tục sẽ không được đảm bảo. Bởi vì các xe tải nặng bị cấm ở ba đoạn vừa nêu sẽ phải dừng trên quốc lộ hoặc vào các điểm dừng, đậu, bãi chờ làm hành trình của xe bị “cắt” ra, không còn liên tục. “Thực tế, ở dọc quốc lộ này hầu như không có hệ thống bãi, kho có đủ diện tích cho xe dừng, đậu. Vì vậy, các xe đang đi (trước hoặc sau đoạn cấm) rơi trùng vào giờ cấm sẽ phải dừng lại làm tăng mật độ xe trên đường. Trong khi đoạn quốc lộ này chỉ khoảng hai làn ô tô và hơn một ít dành xe máy. Ô tô dù dừng sát lề thì vẫn lấn ra làn xe máy và một phần làn ô tô. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, mất an toàn giao thông rất cao” - ông Việt phân tích.
Ông Việt tính toán thời gian đi hết đoạn 70 km trên khoảng một tiếng rưỡi. Nay nếu cấm thì phải dừng lại 2 giờ 30 phút (sáng hoặc chiều) thì thời gian hành trình của xe sẽ tăng. Điều này cũng ảnh hưởng đến xe đi một phần hoặc nửa hành trình (như xe chỉ đi đến các kho, xưởng ở huyện Bình Chánh hoặc huyện Bến Lức, Long An) do phải dừng chờ hết giờ cấm.
Ùn ứ trên quốc lộ 1 ở cửa ngõ phía tây của TP.HCM (như ảnh) vào các dịp lễ, tết và không xảy ra ở đoạn sắp cấm. Ảnh: MP
Cấm để dồn xe vào cao tốc?
Theo ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, Sở mới nghe chủ trương song chưa rõ vị trí cụ thể đoạn cấm qua địa phương. “Theo thông tin ban đầu, đoạn quốc lộ 1A đi qua Bến Lức có nhiều khu công nghiệp nên sẽ cấm từ 6 giờ đến 8 giờ 30 và từ 16 giờ đến 18 giờ 30 để tránh ùn ứ do các thời điểm này, công nhân đi làm đông. Vì vậy, họ chủ trương khi xe tải trọng nặng đến thị trấn Bến Lức vào các giờ nói trên sẽ không được đi vào quốc lộ 1A mà đi lên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương” - ông Chỉnh nói.
Khi PV đặt vấn đề quy định này có gây khó khăn cho việc lưu thông, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Chỉnh cho biết khi cấm sẽ có đường khác thay thế (tỉnh lộ 830C). Tuy nhiên, nếu các xe tải nặng không lên cao tốc Trung Lương mà vào các đường này sẽ gây ra ùn ứ, có khả năng mất an toàn vì các đường này nhỏ và đang xuống cấp. Vì vậy, ông Chỉnh cho rằng cần tính toán lại cho hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, khẳng định lệnh cấm trên không nhằm dồn xe vào cao tốc Trung Lương để thu phí mà nhằm giải quyết ùn ứ ở các đoạn cấm. Tuy vậy, ngày 23-11, một cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang cho hay thực chất việc cấm xe tải ở đoạn quốc lộ 1 qua huyện Châu Thành (Tiền Giang) là không cần thiết. “Khu vực này có Khu công nghiệp Tân Hương. Khi công nhân vào làm việc hoặc tan tầm có gây áp lực cho tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, lâu nay lực lượng CSGT đã điều phối, giải quyết rất tốt và nơi này hoàn toàn không xảy ra kẹt xe. Ngoài ra, ở khu vực này không có đường khác thay thế nên nếu áp dụng lệnh cấm thì bắt buộc nhiều xe tải nặng phải đi vào tuyến cao tốc Trung Lương” - vị này nói.
Doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP không nên cấm như đề nghị của Cục Quản lý đường bộ IV. PC67 cho rằng giao thông tại khu vực này ổn định, không xảy ra ùn ứ và tai nạn giao thông gần đây lại giảm. Ùn ứ chỉ xảy ra ở đoạn từ nút giao Bình Thuận đến vòng xoay An Lạc (đoạn không nằm ngoài phạm vi cấm) vào các dịp lễ, tết. PC67 còn cho hay khi lệnh cấm có hiệu lực sẽ dẫn đến việc các loại xe tải trên năm tấn dừng, đỗ chờ hết giờ cấm. Hệ quả là giao thông tại khu vực sẽ bị ùn ứ. Ngoài ra, dọc đoạn quốc lộ này có nhiều công ty, nhà xưởng với nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn. Vì vậy, việc cấm xe sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đoạn dự kiến cấm dài gần 6 km nên nếu cấm còn dẫn đến tình trạng xe chở hàng đến và đi qua khu vực sẽ dồn vào các đường nhánh - mặt đường hẹp, sẽ tạo áp lực giao thông, làm hư hỏng mặt đường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Khi đó, ùn tắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Nếu cần nên cấm xe tải nhỏ Theo tôi, có hai giải pháp để giảm ùn tắc tại đoạn 2,8 km từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt đến nút giao Bình Thuận. Theo đó, các xe tải nặng vẫn được lưu thông quốc lộ 1 để nhận, trả hàng dọc tuyến nhưng tạm thời điều hòa các loại xe tải nhỏ (dưới năm tấn) đi vào các đường nhánh, tránh vào giờ cao điểm. Các loại xe này nhỏ gọn sẽ di chuyển linh hoạt hơn ở các đường nhánh có chiều rộng trung bình chỉ hai làn. Ngoài ra, đoạn 2,8 km nêu trên là thường xuyên ùn tắc nên cần đẩy nhanh việc mở rộng mặt đường từ dưới 24 m lên 35 m. Hiện đã có nhà đầu tư muốn làm đoạn này nên đây là điều thuận. Tương tự, TP cần đẩy nhanh hơn tiến độ làm đoạn nối từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (dài 2,7 km). Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM |