Cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông sẽ thông báo về cơ quan

(PLO)- Thủ tướng có công điện yêu cầu cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành chỉ thị tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

Kiên quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện

Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện. Ảnh: PHI HÙNG

Song song đó, cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.

Những vi phạm dẫn đến tai nạn nghiêm trọng như chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, cơi nới thùng xe phải bị xử lý nghiêm. Việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn cần tiếp tục thực hiện quyết liệt để hình thành văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe".

Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu phương thức cấp biển kiểm soát có giới hạn và trả phí sở hữu biển kiểm soát để tránh lãng phí tài sản công, nguồn tài nguyên biển số. Việc đăng ký, quản lý xe sẽ theo hướng định danh phương tiện gắn với định danh cá nhân. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần có giải pháp khắc phục ùn tắc, áp dụng mô hình bãi đỗ xe thông minh ngầm hoặc nhiều tầng.

Bộ Nội vụ được giao nghiên cứu hướng dẫn đưa nội dung cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong cơ quan nhà nước vi phạm pháp luật về giao thông vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân. Đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm.

Bộ Công an, Bộ GTVT nghiên cứu sửa quy định theo hướng tăng hình phạt với người vi phạm nồng độ cồn, hoặc mắc lỗi nhiều lần như buộc họ lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe. Các đơn vị nghiên cứu thu hồi giấy phép lái xe với người sử dụng, nghiện ma túy.

Bộ GTVT chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với cơ sở đào tạo lái xe. Ngành cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo.

Trong Quý I năm 2023, toàn quốc xảy ra gần 3.000 vụ tai nạn giao thông, trong đó 12 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Một bộ phận người dân ngang nhiên vi phạm pháp luật về giao thông như lái xe sử dụng cồn, ma túy, phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, gây rối trật tự công cộng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm