Cần có lộ trình tự chủ cho TP Thủ Đức để gỡ nhiều điểm nghẽn

(PLO)- Hoạt động theo mô hình TP trong TP khiến TP Thủ Đức thiếu sự tự chủ và để gỡ điểm nghẽn này, chuyên gia kiến nghị cần cấp lộ trình tự chủ cho TP Thủ Đức theo từng giai đoạn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-12, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Trường ĐH Tài chính - Marketing tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn nhằm tạo sự bứt phá phát triển kinh tế, xã hội đối với chính quyền đô thị kiểu mới TP Thủ Đức”.

Điểm nghẽn sinh ra từ mối quan hệ quản lý

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP, cho rằng các điểm nghẽn của TP Thủ Đức được phân làm hai loại. Trong đó gồm khó khăn về hạ tầng giao thông, đô thị... và khó khăn do việc sát nhập quận thành TP.

“Có những điểm nghẽn sinh ra từ mối quan hệ giữa TP Thủ Đức và TP.HCM” - ông Nguyên nói và nhìn nhận điểm nghẽn lớn nhất là mối quan hệ về mặt quản lý, quyền lực giữa TP.HCM và TP Thủ Đức.

TS Nguyễn Hữu Nguyên nhận định điểm nghẽn lớn nhất của TP Thủ Đức là thiếu sự tự chủ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
TS Nguyễn Hữu Nguyên nhận định điểm nghẽn lớn nhất của TP Thủ Đức là thiếu sự tự chủ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

TS Nguyên đưa ra ví dụ, TP.HCM giống như đoàn xe lớn, trong đó có xe chỉ huy và nhiều xe nhỏ. Riêng TP Thủ Đức lại có xe chỉ huy và kèm thêm ba xe nhỏ nữa. Hiện tại, xe chỉ huy của TP Thủ Đức đang có cáp nối với xe chỉ huy của TP.HCM và TP Thủ Đức không thể tách ra.

"TP Thủ Đức khi đã là TP thì phải mang tính độc lập, phải tách khỏi đoàn xe lớn để tìm con đường khác, đôi lúc cũng cần tăng tốc, giảm tốc. Tuy nhiên, những điều này TP Thủ Đức không làm được vì vẫn còn sự liên kết với TP.HCM" - ông Nguyên nêu quan điểm và cho rằng cần tăng sự tự chủ, độc lập cho TP Thủ Đức.

“Đó mới là cái cốt lõi của tất cả điểm nghẽn sinh ra ở TP Thủ Đức”- TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.

Theo ông Nguyên, TP Thủ Đức đang hoạt động theo mô hình nghiên cứu cũ là TP trong TP nhưng chính khái niệm này đã tự làm mất tính độc lập, tự chủ. Đơn cử, nếu TP Thủ Đức muốn cải cách hành chính, lập phường, lập quận... thì đều phải thông qua các sở, ban, ngành chứ không thể tự quyết được.

Cấp lộ trình tự chủ cho TP Thủ Đức

Để nâng cao sự tự chủ cho TP Thủ Đức, ThS Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nhìn nhận cần sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của TP Thủ Đức theo hướng chính quyền đô thị. Cụ thể cần tập trung vào vấn đề quản lý nhà nước, còn những gì không liên quan thì nên giải phóng bớt để bộ máy chính quyền nhẹ hơn.

Theo ông Thành, tính tự chủ rất quan trọng, phải tự chủ thì mới được quyết định và khi quyết định thì TP Thủ Đức phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

“Sự tự chủ của TP Thủ Đức không phải đột ngột mà có được, chúng ta phải tập cho TP Thủ Đức tự đi, phải cấp tự chủ theo lộ trình” - ông Thành kiến nghị.

ThS Lê Văn Thành kiến nghị TP.HCM cấp lộ trình tự chủ cho TP Thủ Đức. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
ThS Lê Văn Thành kiến nghị TP.HCM cấp lộ trình tự chủ cho TP Thủ Đức. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cụ thể, ThS Thành cho biết giai đoạn đầu của lộ trình, chính quyền TP.HCM cần can thiệp, có ý kiến vào quyết định của TP Thủ Đức nhưng dần dần phải "nhả" ra. Đến khi TP Thủ Đức thực sự có khả năng tự chủ thì sự can thiệp ngày càng giảm đi.

Ông Lê Văn Thành cho biết thêm sau Nghị quyết 54/2017, TP.HCM đang xin cơ chế mới cho phép TP được quyết định và được làm nhiều hơn. Trên cơ sở mô hình đó, TP.HCM sẽ áp dụng cho TP Thủ Đức. Trong thời gian chờ, TP Thủ Đức có thể chuẩn bị, xây dựng chiến lược về lao động, nguồn nhân lực và nhiều vấn đề khác.

Đề xuất mô hình thị trưởng cho TP.HCM

TS Nguyễn Hữu Nguyên cho biết lịch sử ra đời TP Thủ Đức bắt đầu từ ý tưởng chính quyền đô thị và tư tưởng về mô hình TP trong TP.

Vì là mô hình mới chưa có tiền lệ nên khái niệm rất mơ hồ và qua thời gian hoạt động, từ điểm nghẽn của TP Thủ Đức có thể thấy mô hình này còn nhiều nhược điểm.

Ông Nguyên gợi ý TP.HCM có thể tìm hiểu về Vùng đô thị Lyon (Pháp) và hình thành Vùng đô thị TP.HCM, nơi có một TP cốt lõi là TP di sản và sau đó có nhiều TP mang tính độc lập.

Bàn về vấn đề này, ThS Lê Văn Thành kiến nghị TP.HCM có thể nghiên cứu, tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình Thị trưởng.

Theo ThS Thành, ở một số nước có tổ chức mô hình này, Thị trưởng là người quản lý rất chặt nhưng chỉ quản lý một số vấn đề, lĩnh vực, còn những việc khác sẽ giao cho cơ quan chức năng hoặc khu vực tư nhân quản lý.

Có thể thấy ở mô hình này, vai trò của Thị trưởng rất nhẹ nhàng nhưng việc quản lý chính quyền đô thị hiệu quả hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm