Cần Giờ có 12 vị trí xây nhà hàng, giải trí dưới nước

(PLO)- 12 vị trí neo đậu ở huyện Cần Giờ sẽ trở thành điểm du lịch dịch vụ hấp dẫn, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Mới đây, UBND TP.HCM đã truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi sau cuộc họp nghe báo cáo đề xuất các vị trí vùng nước neo đậu phương tiện thủy phục vụ phát triển du lịch trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Cần Giờ. Chủ tịch UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho huyện Cần Giờ bố trí 12 vị trí vùng nước neo đậu.

Các vị trí này sẽ là nơi neo đậu phương tiện thủy để phát triển du lịch trên các tuyến sông thuộc huyện Cần Giờ. Ảnh minh họa: ĐÀO TRANG

Thống nhất 12/13 vị trí

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Sở GTVT TP cùng với UBND huyện Nhà Bè và các sở, ngành đã cùng nhau khảo sát và tìm ra 13 vị trí. Các vị trí này sẽ là nơi neo đậu phương tiện thủy để phát triển du lịch trên các tuyến sông thuộc huyện Cần Giờ.

Từ những vị trí đi khảo sát, Sở GTVT TP sẽ lấy ý kiến từng sở, ngành để cùng góp ý xây dựng. Về cơ bản, các đơn vị đã thống nhất chọn 12/13 vị trí neo đậu, riêng vị trí trên sông Đồng Tranh 1 thuộc tuyến hàng hải nên Cảng vụ hàng hải TP.HCM đề nghị không bố trí.

Ông An cho biết UBND huyện Cần Giờ cũng thống nhất các vị trí neo đậu mà Sở GTVT đề xuất. Theo đó, trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch huyện Cần Giờ đã xác định các sản phẩm như: Xây dựng lồng bè, bè nuôi thủy hải sản kết hợp với phục vụ dịch vụ tham quan, ăn uống, giải trí trên bè nổi, nhà hàng; khu vui chơi vận động dưới nước; mô hình phao nổi trên sông, dịch vụ bơi xuồng tham quan…

Đối với từng vị trí, huyện Cần Giờ cho biết sẽ định hướng phát triển các loại hình du lịch phù hợp. Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch trên sông, tổ chức các sản phẩm du lịch kết nối với các vị trí neo đậu tại các tuyến sông trên huyện.

Ông An cho biết: Qua đánh giá, Sở GTVT nhận thấy 12 vị trí neo đậu phương tiện thủy này sẽ phục vụ phát triển du lịch. Các vị trí này được bố trí tại vùng tiếp giáp với bờ sông, không ảnh hưởng đến đường thủy, luồng hàng hải hiện hữu. Đồng thời, các vị trí này cũng thuận lợi trong kết nối giao thông đường thủy, một số vị trí còn thuận lợi trong kết nối đường bộ, tiếp giáp với các khu nuôi thủy hải sản, du lịch sinh thái rừng ngập mặn.

12 vị trí neo đậu này sẽ được kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác các vùng nước neo đậu phương tiện thủy để phục vụ phát triển du lịch huyện Cần Giờ.

Phát triển du lịch đường thủy

Theo ông An, sau khi UBND TP.HCM thống nhất vị trí, UBND huyện Cần Giờ sẽ là đơn vị chủ trì, triển khai thực hiện kêu gọi đầu tư, khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy tiềm năng tại địa phương.

Đồng thời, các sở, ngành chuyên môn sẽ phối hợp, có ý kiến chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện. Trong quá trình khai thác, chủ đầu tư và người quản lý cũng cần phải tuân thủ các quy định về giao thông đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, các phương tiện, thiết bị neo đậu cũng cần phải đảm bảo kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

“Hiện UBND TP đã thống nhất 12 vị trí neo đậu mà sở đã trình. UBND TP đã yêu cầu Sở QH-KT rà soát, cập nhật 12 vị trí vùng nước neo đậu phương tiện thủy vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phạm vi, trách nhiệm quản lý của địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện” - ông An cho biết.

Đồng thời, Sở TN&MT sẽ thực hiện thủ tục giao thuê đất, biện pháp bảo vệ môi trường đối với 12 vị trí vùng nước neo đậu để phát triển du lịch. Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở TN&MT có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và các đơn vị để đảm bảo tàu thuyền hoạt động, lưu thông và không làm ảnh hưởng đến tài nguyên trên địa bàn.

UBND TP cũng đề nghị Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Cần Giờ triển khai các sản phẩm, dịch vụ du lịch đường thủy tại các vị trí neo đậu phương tiện. Từ đó, tạo sân chơi kết nối các loại hình du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến huyện Cần Giờ. Đặc biệt, 12 vị trí neo đậu này sẽ được kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác các vùng nước neo đậu phương tiện thủy để phục vụ phát triển du lịch huyện Cần Giờ.

Theo ông An, UBND TP đã yêu cầu Sở Du lịch và Sở GTVT tiếp tục khảo sát trên sông Sài Gòn để tìm ra vị trí điển hình, tham mưu UBND TP thực hiện thí điểm đầu tư các loại hình dịch vụ, du lịch ven sông Sài Gòn. Đây cũng là cơ sở để đánh giá, mở rộng cho nhiều vị trí trên tuyến sông Sài Gòn và các tuyến kênh rạch trên địa bàn TP.•

12 vị trí vùng nước neo đậu

Vị trí thứ nhất và thứ hai nằm ở phía bờ trái và bờ phải sông Dừa, thuộc xã Tam Thôn Hiệp, mỗi vị trí có diện tích khoảng 7.500 m2. Vị trí thứ ba nằm ở bờ trái sông Đồng Tranh 1 (luồng hàng hải), thuộc xã Tam Thôn Hiệp, diện tích khoảng 6.000 m2.

Vị trí thứ ba nằm ở bờ trái sông Thêu, thuộc xã Thạnh An, diện tích khoảng 7.200 m2. Vị trí thứ tư là bờ phải rạch Thiềng Liềng, thuộc xã Thạnh An, diện tích khoảng 1.600 m2. Vị trí thứ năm là bờ phải sông Đồng Đình, thuộc xã Long Hòa, diện tích khoảng 7.200 m2.

Vị trí thứ sáu nằm ở khu vực ngã ba rạch Bà Vú và sông Đồng Đình, thuộc xã Long Hòa, diện tích khoảng 7.200 m2. Vị trí thứ bảy là ở bờ phải sông Dinh Bà 2, thuộc xã Long Hòa, diện tích khoảng 1.600 m2. Vị trí thứ tám nằm ở bờ trái sông Vàm Sát, thuộc xã Lý Nhơn, diện tích khoảng 1.600 m2.

Vị trí thứ chín nằm ở bờ trái sông Vàm Sát, thuộc xã Lý Nhơn, diện tích khoảng 3.700 m2. Vị trí thứ 10 nằm ở bờ trái sông Đồng Tranh 2, thuộc xã Long Hòa, diện tích khoảng 7.200 m2. Và cuối cùng là vị trí bờ trái sông Hà Thanh - Đồng Hòa, thuộc xã Long Hòa, diện tích khoảng 7.200 m2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới