Cần làm rõ thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp

(PLO)- Năm 2023 dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, do vậy cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó

Ngày 11-10, tiếp tục phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2022 và kế hoạch năm 2023.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải đánh giá năm 2022 kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ, GDP chín tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%. Phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, ước tính cả năm CPI tăng khoảng 4%...

Tuy nhiên, bên cạnh đó nền kinh tế còn những “tồn tại cố hữu” chậm được cải thiện như quy mô nền kinh tế nhỏ, năng lực tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao...

Đáng lưu ý, một số “điểm nghẽn” chưa được tháo gỡ có hiệu quả như công tác lập và triển khai quy hoạch chậm. Nguy cơ thiếu nhân lực tại các cơ sở y tế công lập do tình trạng xin thôi việc, nghỉ việc; vướng mắc trong mua sắm công, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được xử lý dứt điểm. Việc cơ cấu lại cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém còn chậm.

Ủy ban Thường vụ QH cũng đánh giá Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn hạn chế. Điều kiện, thủ tục của một số chính sách bất cập, có chính sách chưa rõ ràng, khó tiếp cận…

“Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung làm rõ hơn một số nội dung như ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại trước tình hình nợ xấu gia tăng và hiện tượng bất ổn ở một vài ngân hàng thương mại gần đây; thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản và mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng, an ninh tài chính…” - Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Ông Hải cũng lưu ý năm 2023 dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, do vậy cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó. “Sản xuất, kinh doanh, sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt dòng tiền. Giá xăng dầu, vật tư đầu vào tăng cao, đã có tình trạng người dân hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất…” - Phó Chủ tịch QH nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới