Mới đây, tôi đến cửa hàng trên đường Ba Tháng Hai (phường 10, quận 10, TP.HCM) tìm mua chiếc máy lọc nước tinh khiết hiệu J. dùng sinh hoạt gia đình. Tôi hỏi việc uống nước trực tiếp từ vòi ra có thật sự an toàn không. Người bán hàng chỉ cái ống đèn UV nằm cuối hệ thống lọc nước giải thích: “Nước trước khi ra vòi đều phải đi qua cái đèn này, dưới ánh sáng cực tím thì vi khuẩn sẽ chết sạch. Công nghệ Việt-Nhật mà, anh yên tâm đi...”.
Chiều ấy, kỹ thuật viên mang máy đến nhà tôi lắp ráp. Phát hiện cái đèn UV không giống cái làm mẫu trong cửa hàng tôi thắc mắc thì kỹ thuật viên giải thích: “Mẫu mới của chính hãng lắp ráp là vậy, tuy có khác nhưng công dụng thì giống nhau”. Tin tưởng sự giải thích ấy, hơn nữa việc chẳng đặng đừng tôi đành chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi trả đủ tiền và anh kỹ thuật viên ra về rồi, tôi mở vòi xả lượng nước ra theo hướng dẫn thì phát hiện cái đèn UV không cháy sáng.
Tôi gọi báo và anh kỹ thuật viên đem đèn UV khác tới thay thế. Lúc này tôi lại phát hiện thêm cái nguyên lý diệt khuẩn “trớt hướt” của cái đèn này. Nguyên tắc đúng là khi nước vừa được xả ra khỏi vòi thì đồng thời đèn UV phải cháy sáng để diệt khuẩn. Đằng này đèn UV chỉ “chịu” cháy sáng khi nước đã ra vòi hơn... 3 lít. Sau nhiều lần xả nước thử nghiệm, tôi nhận ra rằng: Lúc nào cũng phải xả ra chừng ấy lượng nước, bình dự trữ tụt áp thì máy bơm mới hoạt động đưa nước trả lại bình và đồng thời cái đèn UV mới phát sáng. Với nguyên lý này khách hàng phải chấp nhận một trong hai tình huống: Muốn lấy phần nước mình sử dụng được diệt khuẩn bằng đèn UV thì phải xả bỏ hơn 3 lít nước; hoặc chấp nhận dùng nước không được diệt khuẩn bằng đèn khi lấy ra từng ít một, từng cốc.
Tôi phản ánh với kỹ thuật viên thì anh ta nói nguyên lý hoạt động của cái máy này là như thế, ngoại trừ đừng dùng bình nước dự trữ (bình tăng áp) nữa. Tôi thất vọng với kiểu giải thích này, bởi như thế thì đèn diệt khuẩn hoặc bình dự trữ nước lắp vào chỉ để làm cảnh mà thôi!
Hôm sau tôi đến gặp trực tiếp người quản lý cửa hàng. Sau khi nghe tôi trình bày, người này đã hiểu ra và cho kỹ thuật viên khác tới nhà tôi “sửa sai” bằng cách lắp... ống đèn UV đằng sau lõi lọc RO (màng thẩm thấu cho ra nước tinh khiết). Với cách lắp này thì nước sẽ được diệt khuẩn bằng đèn trước khi vào bình dự trữ và trước khi đi qua các lõi lọc tạo khoáng, tạo chất kiềm...
Đây là cách lắp đặt khác với việc quảng bá ban đầu. Nó có tính cách chữa cháy, tôi cũng thấy không ổn. Bởi như vậy vi khuẩn (nếu có) đi qua đèn sẽ bị chết và xác nó nằm lâu ngày trong bình chứa sẽ không tốt cho người sử dụng.
Tôi tìm đến các cửa hàng bán lọc nước khác trong thành phố để tìm hiểu thì lại được khuyên như sau: “Anh nên mắc đèn UV bằng nguồn điện trực tiếp, không đấu chung với máy bơm và mỗi lần lấy nước thì bật công tắc cho đèn sáng, xong rồi lại tắt. Hoặc cứ để đèn cháy như vậy vì có tốn nhiều điện đâu mà ngại”.
Cũng không ổn. Chẳng lẽ cứ mỗi lần lấy một cốc nước thì phải làm động tác bật, tắt công tắc; hoặc để đèn sáng mãi, trong khi tuổi thọ bóng đèn UV được tính bằng giờ?!
Qua sự việc của mình, tôi thấy bạn đọc nên tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua máy lọc nước tinh khiết nào đó.