Cần triển khai sớm việc đóng phạt nguội tại nơi cư trú

(PLO)- Người dân mong muốn quy định được đóng phạt nguội tại nơi cư trú cần được triển khai sớm nhất có thể và thống nhất trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ ngày 21-5, Thông tư 15/2022 của Bộ Công an (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 65/2020) chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định chi tiết về việc người vi phạm giao thông bị phạt nguội được quyền đóng phạt tại nơi cư trú, mà không cần phải đến cơ quan công an nơi địa phương phát hiện vi phạm để thực hiện các thủ tục nộp phạt.

Thông tin này nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc và người dân. Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn quy định này cần sớm được triển khai đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc để tránh gây phiền hà cho người dân.

Người dân mong muốn quy định về phạt nguội tại nơi cư trú cần được triển khai sớm và đồng bộ trên cả nước. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Người dân mong muốn quy định về phạt nguội tại nơi cư trú cần được triển khai sớm và đồng bộ trên cả nước. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Đi gần 200 km để đóng phạt

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Văn Nông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trong đợt nghỉ tết Nguyên đán 2022 vừa qua gia đình di chuyển bằng ô tô từ TP.HCM ra TP Phan Thiết để du lịch.

Sau chuyến đi, đến ngày 11-2, ông Nông đột nhiên nhận được thông báo của Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận thông báo phạt nguội với lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép từ 5 km/giờ đến dưới 10 km/giờ trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Thuận.

Ông Nông cũng cho biết theo quy định thì khi vi phạm giao thông và được thông báo bằng hình thức phạt nguội thì người vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ phải có mặt tại trụ sở công an nơi phát hiện vi phạm hành chính (VPHC) để giải quyết vụ việc.

“Trường hợp của tôi là vi phạm tại tỉnh Bình Thuận, trong khi đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM nên tôi đã liên hệ tới số điện thoại ghi trong thông báo phạt nguội để nhờ hỗ trợ với lý do đi lại khó khăn, đường sá xa xôi, xin được đóng phạt từ xa. Tuy nhiên, do lo sợ bị lộ thông tin khi gửi các giấy tờ (bằng lái xe, giấy tờ tùy thân…) cho dịch vụ nộp phạt thay nên trong tháng 2, tôi buộc phải chạy gần 200 km từ TP.HCM đến Phòng CSGT tỉnh Bình Thuận để trực tiếp ký biên bản vi phạm, nhận quyết định xử phạt và đi đóng tiền phạt” - ông Nông nói.

Cũng theo ông Nông, may là trường hợp của ông được lập biên bản, nhận quyết định xử phạt và đi đóng phạt giải quyết ngay trong ngày. Nhiều trường hợp đi hàng trăm cây số nhưng không giải quyết được trong ngày thì sẽ rất mất thời gian, công sức và cả tiền bạc. Đó là chưa kể sau khi đóng phạt, nếu cơ quan công an nơi xử phạt không hỗ trợ trả giấy tờ qua bưu điện thì người vi phạm lại mất thêm một lần đi hàng trăm cây số để nhận lại giấy tờ.

Trường hợp trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà người vi phạm giao thông đang gặp phải. Trên các diễn đàn về ô tô hiện nay, vẫn có những phản ánh từ người dân phàn nàn về vấn đề phải vất vả đi hàng trăm cây số khi đi đóng phạt nguội.

Trong số đó cũng có nhiều địa phương khi xử lý phạt nguội cho phép người vi phạm đóng phạt từ xa và gửi trả giấy tờ vi phạm về tận nhà qua đường bưu điện mà không cần đến trực tiếp để làm thủ tục.

Việc triển khai quy định này còn chưa được thống nhất và đồng bộ khi nhiều địa phương vẫn yêu cầu người vi phạm đến trực tiếp trụ sở để lập biên bản.

Cần triển khai đồng bộ trên cả nước

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Lê Dũng, Đoàn LS TP.HCM, cho biết khoản 2 Điều 15 Nghị định 135/2021 (có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2022) đã quy định về việc cơ quan công an hỗ trợ người dân trong việc đóng phạt nguội.

Theo đó, trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp tỉnh hoặc cấp huyện này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp tỉnh hoặc cấp huyện khác mà việc đi lại khó khăn; tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan, đơn vị cấp dưới hoặc cùng cấp nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, cư trú để tiếp tục xử lý.

Như vậy, có thể thấy Nghị định 135/2021 đã cho phép cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm được quyền chuyển thông tin, hình ảnh vi phạm về công an cùng cấp hoặc công an cấp dưới nơi người vi phạm giao thông cư trú/đặt trụ sở để xử lý phạt nguội.

Tuy nhiên, việc triển khai quy định này còn chưa được thống nhất và đồng bộ khi nhiều địa phương vẫn yêu cầu người vi phạm đến trực tiếp trụ sở để lập biên bản. Việc này phần nào gây phiền hà đến người dân.

Cũng theo LS Dũng, việc ban hành Thông tư 15/2022 có ý nghĩa quan trọng trong công tác xử lý phạt nguội vi phạm giao thông đường bộ khi đã quy định cụ thể quy trình xử lý. Đây là căn cứ quan trọng để cơ quan công an có thẩm quyền áp dụng khi xử lý.

“Cùng với việc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngày càng được hoàn thiện, việc áp dụng công nghệ thông tin vào xử lý vi phạm hành chính là cần thiết, đặc biệt trong quá trình xử lý phạt nguội khi vi phạm giao thông. Việc người vi phạm được đóng phạt nguội tại nơi cư trú cần được ngành công an áp dụng, triển khai đồng bộ trên cả nước và sớm nhất có thể để tránh gây phiền hà cho người dân” - LS Dũng chia sẻ.•

Cần hướng dẫn thêm về nơi cư trú

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa luật ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: Quy định cho phép người dân được giải quyết vụ việc vi phạm giao thông đường bộ tại công an xã nơi cư trú là một bước vượt bậc của Bộ Công an.

Để quy định được thực thi tốt hơn, ThS Lưu Đức Quang cho rằng trong thời gian tới, Bộ Công an cần có hướng dẫn rõ hơn về khái niệm “công an cấp xã nơi cư trú” người vi phạm tìm đến giải quyết việc vi phạm.

“Theo Luật Cư trú 2020, nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. Như vậy, quy định tại Thông tư 15/2022 cần được chỉ rõ công an cấp xã nơi cư trú là công an cấp xã nơi thường trú hay nơi tạm trú” - ThS Lưu Đức Quang phân tích.

Cũng theo ông, quy định pháp luật nên mở rộng cho phép người dân được lựa chọn giải quyết vi phạm giao thông tại nơi tạm trú hoặc nơi thường trú.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trên cần phải bổ sung lực lượng cán bộ chuyên trách về công an cấp xã, cũng như hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư, giao thông và hạ tầng kỹ thuật. TRÚC PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm