Vốn được xem là loại trái cây nhập ngoại xa xỉ, trước đây dâu tây thường được bày bán tại các siêu thị và cửa hàng hoa quả nhập khẩu với giá không dưới 500.000 đồng/kg. Tuy nhiên thời gian gần đây, các giống dâu tây ngoại trồng ở Sơn La đang được bán với giá rẻ chưa từng có, dù đang vào giai đoạn của cuối vụ.
Đơn cử tại Hà Nội, dâu tây Hana size Vip được bán với giá hơn 450.000 đồng/kg thì nay giá chưa tới 200.000 đồng/kg. Hay dâu bi to trước đây giao động từ 120.000 đồng/kg thì nay chỉ hơn 70.000 đồng/kg.
Tại TP.HCM giá dâu tây Mộc Châu (Sơn La) cao hơn các tỉnh phía bắc do chi phí vận chuyển xa, song vẫn ở mức giá rất rẻ.
|
Dâu tây đang có giá bán khá rẻ, dù đang vào giai đoạn cuối vụ. Ảnh: H.Nhân |
Chị Hoàng, chuyên kinh doanh trái cây online tại quận 3, TP.HCM cho biết hiện dâu tây Mộc Châu, Sơn La đang vào cuối vụ nhưng vườn chín rộ quá nhiều, do đó giá bán ra thị trường tốt hơn các năm khác. Hiện dâu tây Hana loại Vip (12-14 trái), cửa hàng chị đang bán với giá 210.000 đồng/kg, loại 2 (18-20 trái) 170.000 đồng/kg, loại 3 (20- 22 quả) giá 150.000 đồng/kg, dâu bi từ 125.000 – 140.000 đồng/kg.
Giống dâu tây Nhật Sky, giá loại 1 (36 trái) giá bán 360.000 đồng/kg, giá loại 2 (49 trái) giá 270.000 đồng và loại 3 (64 trái) là 200.000 đồng/kg. Giá bán này đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên tại các chuỗi trái cây lớn và siêu thị giá dâu tây Sơn La vẫn được bán với giá trên 360.000 – 400.000 đồng/kg đối với dâu Sơn La loại 1, có thương hiệu và VietGap. Đối với loại 2, giá bán cũng từ 300.000 -330.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Đình Huy, chủ trang trại dâu tây Huy Béo ở xã Mường Sang (Huyện Mộc Châu, Sơn La) cho biết, hiện giá rẻ là do loạn thị trường về các loại dâu, khiến giá dâu nói chung bị giảm xuống.
Tuy nhiên theo anh Huy, với các trang trại dâu có tên tuổi, uy tín, hoặc trồng theo tiêu chuẩn VietGap thì giá tại vườn vẫn ở mức 300.000 đồng/kg đối với dâu Hana.
Anh Huy cho biết, dâu tại chợ thường không nhãn mác nên dù có là dâu Hana thì giá rẻ hơn, tuy nhiên người tiêu dùng nên cẩn trọng. Bởi hiện tại, giá dâu tây Sơn La đắt hơn khoảng 3 - 4 lần so với dâu tây Trung Quốc đang bán trên thị trường, vì vậy đã có không ít người bán trà trộn dâu Trung Quốc gắn mác dâu Sơn La để kiếm lợi nhuận.
Để tránh mua phải dâu tây trôi nổi trên thị trường, anh Nguyễn Đình Huy cho biết có thể phân biệt dâu Hana và dâu Trung Quốc bằng cách quan sát hình dáng quả.
"Nhìn bằng mắt thường, dâu Hana tròn, mọng, cuống ngắn, quả to nhưng không đều, màu sắc đỏ tươi, khi ăn dâu Sơn La có mùi thơm, ngọt thanh, tan ra trong miệng, còn dâu Trung Quốc quả đồng đều, sần sùi, màu đỏ đậm, hạt lồi ra ngoài, khi ăn lại cho vị chua, dẻo hoặc cảm giác dai. Theo tôi người tiêu dùng nên mua dâu của các trang trại, HTX có địa chỉ, số điện thoại trên bao bì đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap. Hàng trôi nổi không có nhãn mác, chất lượng sẽ không được đảm bảo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ"- anh Huy lưu ý.