Chị ấy bảo có người bà con sống tại Đồng Nai chuyên nuôi heo sạch, không cho ăn cám công nghiệp, chỉ nuôi bằng rau, cám gạo thông thường.
Tôi sang tới nơi thì thấy một số người cũng đang xúm quanh chiếc làn to đựng khoảng 30 kg thịt heo đã được xẻ ra từng tảng. Chủ của số thịt heo tay vừa cắt thịt bán vừa luôn miệng quảng cáo về chất lượng thịt, nào là không có chất tăng trọng, tạo nạc, nào là thịt ăn thơm ngon, chắc chứ không nhão…
Vì tin lời nên tôi cũng mua 1 kg thịt ba rọi với giá 120.000 đồng. Mua xong, tôi bỗng băn khoăn: Tại sao thịt sạch mà người ta lại bán với cái giá chẳng đắt hơn so với thịt bày bán ngoài chợ, vỉa hè?
Tối hôm đó, tôi và cả gia đình thất vọng vì thịt sau chế biến không hề săn chắc, ngon ngọt như quảng cáo mà mềm nhèo, thậm chí còn có mùi hơi hôi. Mang chuyện kể với một đồng nghiệp, bạn cười bảo: “Bà bị lừa rồi. Một người tôi quen làm nghề nuôi heo ở Bình Dương. Người này kể rằng có nhà nuôi cả đàn heo tới cả trăm con, khi các con heo khoảng 30-40 kg bị dịch bệnh chết, thay vì mang đi tiêu hủy, họ thui vàng trên lửa rồi mổ bán cho thương lái để họ mang vào TP bán, bảo rằng heo Lửng, heo Mán, bởi cách mổ bán heo Mán, heo Lửng người ta hay thui cho da heo vàng lên, nhìn hấp dẫn hoặc tẩm ướp thành “thịt sạch” để qua mặt người mua”.
Vậy nên tôi lại chọn mua thịt tại các trung tâm siêu thị, các công ty, cửa hàng thực phẩm uy tín như trước đây, bởi dẫu sao ở các nơi này nguồn gốc, xuất xứ, đầu vào của các loại thực phẩm rõ ràng hơn. Tôi không dám tin các quảng cáo “thịt nhà nuôi” như trước nếu không rõ lai lịch, địa chỉ của người bán.