Liên quan đến nhiều con tàu bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn (Bình Định), cho biết đã báo cáo Thủ tướng toàn bộ sự việc 51 tàu hàng phải neo đậu ở ngoài phao số 0.
Theo ông Vương, vùng neo đậu tàu thuyền phía trong cảng Quy Nhơn chỉ có bảy điểm. Mùa mưa bão, nếu tận dụng hết cỡ thì neo đậu được khoảng 20 chiếc. Tuy nhiên, do thời gian đối phó cơn bão quá gấp, tất cả 53 tàu làm hàng trong cảng dưới 3.000 tấn được neo hết trong cảng, cộng với hàng ngàn tàu cá nên vùng neo không còn chỗ nào.
Một số tàu hàng lớn di chuyển ngang qua vùng biển Quy Nhơn thấy vậy không vào và vào cũng không có nơi đậu nên các tàu neo ở phao số 0.
Việc neo ở ngoài hay chạy đi trú bão là quyền quyết định của thuyền trưởng. Nếu thấy vị trí trú bão không an toàn thuyền trưởng có thể di chuyển đi nơi khác, không nhất thiết phải trú ở vị trí nào đó. Vì các thuyền trưởng tàu hàng họ có kinh nghiệm và được đào tạo kỹ lưỡng nên có thể đưa ra giải pháp phù Hợp.
Đối với tàu hàng, thuyền trưởng phải giữ tàu đến cùng, bởi tàu hàng còn hàng hóa chứ không phải tàu cá mà bỏ. Chỉ trong tình huống cấp bách, thuyền trưởng mới được bỏ tàu, đó là quy định.
“Lúc bão sắp vào, cảng Quy Nhơn đã quá tải. Bạn cứ tưởng tượng một ngôi nhà chỉ ở được 10 người nhưng đã cho 20 người vào sống. Như vậy, nhà đã quá chật chội mà giờ có thêm 10 người nữa xin vào thì trú chỗ nào, nằm ở đâu?… Đó là chưa kể đến việc neo đậu quá tải dẫn đến va đập thì thiệt hại rất lớn” - ông Vương nói.
Liên quan đến việc dự báo bão, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho là các tàu có phần chủ quan. Bởi trước 24 giờ bão vào, dự báo tâm bão sẽ đi vào các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa nhưng thực tế tâm bão vào Bắc Khánh Hòa, Nam Phú Yên.