UNCLOS 40 năm - Bài cuối

Cánh tay nối dài của UNCLOS tại Biển Đông

(PLO)-  Các phán quyết của tòa án quốc tế cùng các thỏa thuận dạng nghị định thư có thể giúp UNCLOS trở nên rõ ràng hơn, gia tăng giá trị thực thi của công ước này.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng tải ba bài viết “UNCLOS 40 năm”, PGS-TS Vũ Thanh Ca (nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) chia sẻ: “Những đóng góp của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển - UNCLOS 1982 sau 40 năm đã rất rõ. Công ước cũng còn tồn tại vài hạn chế nhất định, quan trọng là chúng ta phải có giải pháp để khắc phục những hạn chế ấy trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Biển Đông vẫn đang nóng lên thời gian qua”.

Hạn chế là không tránh khỏi

.Phóng viên: Ở ba bài viết trước, Pháp Luật TP.HCMđã dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế về vai trò của UNCLOS đối với việc quản lý biển và xung đột trên biển. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra những hạn chế của UNCLOS khi áp dụng vào thực tế. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

+PGS-TS Vũ Thanh Ca: Hạn chế là không thể tránh khỏi với bất kỳ quy định pháp lý nào. Cần chú ý rằng UNCLOS 1982 được xây dựng và thông qua sau một quá trình đàm phán lâu dài và cam go với sự tham gia của hầu hết các quốc gia có biển trên thế giới và nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về công pháp quốc tế và luật biển. Do vậy, UNCLOS có tầm bao quát rất lớn và việc triển khai thực hiện nó trong 40 năm qua đã chứng tỏ hiệu quả, tính khoa học và thực tiễn của UNCLOS.

Phiên họp chính thức kỷ niệm 40 năm ngày ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Phiên họp chính thức kỷ niệm 40 năm ngày ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán đã có sự tranh cãi và nhượng bộ, dẫn tới đồng thuận giữa các cường quốc biển, vốn muốn có nhiều tự do hơn để khai thác các tiềm năng của mình và các quốc gia đang phát triển có biển nhưng hạn chế về khả năng khai thác. Vì vậy, do phải nhượng bộ, nhiều quy định trong UNCLOS chưa rõ ràng và chưa bám sát vào thực tiễn.

. Ông có thể điểm lại những hạn chế chính của UNCLOS?

+ Ví dụ rõ nhất là khoản 3 Điều 121 của công ước nêu rõ “đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa”. Do tính chất không rõ ràng của cụm từ “không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng” nên từ trước đến nay có nhiều quan điểm khác nhau về việc giải thích cụm từ này nhằm xác định quy chế pháp lý cho một thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao. Thậm chí có quan điểm cho rằng với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại, tất cả thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao đều có thể thỏa mãn điều kiện “phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng” nếu được tôn tạo phù hợp, do vậy có thể được coi là đảo.

Mauritius kiện và thắng Anh về việc thành lập khu bảo tồn biển tại khu vực quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương hồi năm 2019. Ảnh: REGIONAL RAPPORT

Mauritius kiện và thắng Anh về việc thành lập khu bảo tồn biển tại khu vực quần đảo Chagos
ở Ấn Độ Dương hồi năm 2019. Ảnh: REGIONAL RAPPORT

Kết luận của Tòa Trọng tài năm 2016 đã chấm dứt những tranh luận thuộc dạng này sau khi giải thích rõ khái niệm tranh cãi nói trên. Từ đó, tòa cho rằng các đảo trên quần đảo Trường Sa không thể được coi là đảo, không có EEZ và thềm lục địa. Vì tính chất các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa tương tự như trên quần đảo Trường Sa, chúng ta có thể hiểu rằng các đảo này cũng chỉ được hưởng quy chế pháp lý như các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Cần các phán quyết của tòa và nghị định thư

. Việc đàm phán lại UNCLOS là điều bất khả thi, vậy đâu là giải pháp cho các hạn chế của UNCLOS trong bối cảnh công ước này rất quan trọng, điển hình tại Biển Đông?

+ Cần nhấn mạnh rằng các vấn đề chưa rõ ràng trong UNCLOS chỉ là các quy định cụ thể, chi tiết, có thể giải quyết dần dần bằng các phán quyết của các tòa án quốc tế hoặc thông qua quá trình đàm phán của các nước. Do công ước đã cung cấp cho các quốc gia có biển cơ sở pháp lý một cách toàn diện và hiệu quả để phân định vùng biển, quản lý biển, giải quyết các tranh chấp trên biển, bảo vệ, bảo tồn biển, quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp lý, hiệu quả và bền vững nhằm phát triển kinh tế biển, việc đàm phán lại công ước là không cần thiết. Việc đàm phán chỉ nên được thực hiện với các vấn đề chưa rõ ràng trong công ước và thỏa thuận chỉ nên đưa ra dưới dạng một nghị định thư làm sáng tỏ công ước.

Có rất ít quan điểm cho rằng cần đàm phán lại UNCLOS, hoặc vì vài hạn chế rất nhỏ của công ước này mà đòi “xét lại lịch sử”, bác bỏ ý nghĩa, giá trị của công ước và (hoặc) diễn dịch, giải thích một cách méo mó về nội dung của công ước. Điều này hoàn toàn sai trái. Tôi cho rằng cộng đồng quốc tế, dù đã phê duyệt hay chưa phê duyệt công ước và luôn đứng về cách hiểu chung, hiểu đúng các quy định của UNCLOS, cần sớm có hành động như tôi gợi ý phía trên (ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài, đàm phán và tìm kiếm các thỏa thuận dạng nghị định thư) để tạo ra “những cánh tay nối dài” đắc lực cho UNCLOS tiếp tục phát huy giá trị và sứ mệnh của công ước.

. Xin cám ơn ông.

Bản hiến pháp về biển và đại dương

Từ khi ra đời, UNCLOS đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp cơ sở pháp lý để phân định vùng biển, quản lý biển, bảo vệ, bảo tồn biển, quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp lý, hiệu quả và bền vững, nhằm phát triển kinh tế biển. UNCLOS đã quy định rất đầy đủ và toàn diện các vấn đề về biển và đại dương, có thể được coi như “hiến pháp về biển và đại dương”.

Tất cả quốc gia trên thế giới, ngay cả các quốc gia chưa phê duyệt công ước, đã luôn viện dẫn đến công ước khi giải quyết các tranh chấp liên quan tới bảo vệ, bảo tồn môi trường biển, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, phân định ranh giới biển hoặc quy định quy chế pháp lý của các vùng biển. Như vậy, UNCLOS đã trở thành tập quán quốc tế và điều này có thể giúp các quốc gia chưa phê duyệt UNCLOS có thể viện dẫn và sử dụng công ước này cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách biển của họ. Điển hình là vụ Mauritius kiện và thắng Anh về việc thành lập khu bảo tồn biển tại khu vực quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương; Đông Timor kiện và thắng Úc về phân định biển; Philippines kiện và thắng Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông… Các trường hợp trên cho thấy nếu sử dụng tốt UNCLOS, các quốc gia dù nhỏ và yếu hơn cũng có thể được luật pháp quốc tế bảo vệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm