Ngày 17-11, tại Tỉnh uỷ Vĩnh Long, Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có buổi làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL về vật liệu phục vụ cho Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Cát về công trường rất chậm
Báo cáo về nhu cầu và tình hình nguồn vật liệu cát đắp nền cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, cho biết sau hơn 11 tháng sản lượng thi công chỉ đạt 13% giá trị hợp đồng dù các nhà thầu đã tổ chức 140 mũi thi công, huy động 440 máy móc thiết bị các loại, cùng 1.072 nhân sự (kỹ sư và công nhân).
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường nên nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công các hạng mục cầu trên tuyến và đào đất không thích hợp, đắp bờ bao và thi công đường công vụ, cầu tạm. Ngoài ra, một số vị trí trên tuyến còn vướng mặt bằng, một số vị trí vướng công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời (đặc biệt là đường điện cao thế) nên khó khăn trong việc tiếp cận để di chuyển thiết bị vào thi công, đặc biệt thiếu nguồn vật liệu.
Theo đó, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền cho dự án là khoảng 18,5 triệu m3. Đến nay, các địa phương đã bố trí được cho dự án 3,6/18,5 triệu m3 (đạt 19,5%); đang thực hiện thủ tục mở mỏ đối với 13 mỏ mới với trữ lượng dự kiến khoảng 12,8 triệu m3.
Đánh giá về nhu cầu vật liệu cát đưa về công trường trong thời gian tới, ông Thi cho biết hiện nay đoạn tuyến có thời gian gia tải lớn nhất là 15,5 tháng, để hoàn thành dự án trong năm 2026 thì phải đắp xong gia tải trước 30-10-2024. Dự kiến các mỏ sẽ khai thác đồng loạt từ 1-1-2024 thì Dự án cần khoảng 57.000m3/ngày.
"Hiện nay các mỏ hiện hữu khai thác và đưa về dự án được khoảng 8.000m3/ngày. Khối lượng cát được địa phương về công trường rất chậm. Vì vậy, để tháo gỡ các điểm là đường găng, Ban tiến hành điều phối cho các đơn vị trong dự án theo nguyên tắc ưu tiên thi công đường công vụ, các vị trí đắp cao gia tải 2 giai đoạn và ưu tiên cho các đơn vị chưa tìm được mỏ, để đảm bảo các đơn vị có nguồn vật liệu triển khai trên toàn dự án”- ông Thi đánh giá.
Để đảm bảo nhu cầu đáp ứng yêu cầu tiến độ Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào sử dụng năm 2026, Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quan tâm hỗ trợ cấp quyền khai thác các mỏ trong thời gian tới đảm bảo tối thiểu 3.700m3/ngày/mỏ.
Trong đó, đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp sớm cấp xác nhận khu vực khai thác đối với 4 mỏ đã được phê duyệt trữ lượng và Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để hoàn thiện các thủ tục và có thể tổ chức khai thác ngay trong tháng 11-2023. Đồng thời, hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt đối với 2 mỏ còn lại để hoàn thành thủ tục và có thể tổ chức khai thác ngay trong tháng 12-2023.
Đối với tỉnh An Giang, tỉnh đã bố trí cho Dự án 1,5 triệu m3 cát từ Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao. Tuy nhiên, do công suất hạn chế nên các nhà thầu chỉ có thể tiếp nhận về dự án được khoảng 3,5 - 4 ngàn m3/ngày và mất khoảng 15 tháng mới tiếp nhận hết. Do đó, Ban đề nghị UBND tỉnh xem xét tăng 50% công suất theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ để đảm bảo tiến độ tiếp nhận phù và hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt đối với 4 mỏ mới để hoàn thành thủ tục và có thể tổ chức khai thác ngay trong tháng 12-2023.
Tuyên truyền để dân hiểu về cơ chế đặc thù trong khai thác cát
Riêng tỉnh Vĩnh Long, Ban đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt đối với 3 mỏ mới để hoàn thành thủ tục và có thể tổ chức khai thác ngay trong tháng 12-2023. Hỗ trợ tuyên truyền, vận động người dân hiểu cơ chế đặc thù của Dự án để ủng hộ việc khai thác mỏ Vàm Vũng Liêm 5 và các mỏ trong thời gian tới. Bởi thời gian qua đã có tình trạng người dân ở Vĩnh Long ngăn cản nhà thầu khai thác cát cho dự án cao tốc.
Đối với vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết tỉnh rất quyết liệt hỗ trợ nhà thầu, chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, giải quyết từng trường hợp cụ thể, đảm bảo an ninh trật tự. "Tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền vận động người dân hiểu, kể cả lấy ý kiến cộng đồng và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị"- ông Ngời nói.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Đồng Tháp cam kết cung cấp 3,3 triệu m3 cát cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau trong năm 2023.
“Đề nghị Nhà thầu được giao mỏ khẩn trương phối hợp với Sở TN&MT tỉnh để sớm hoàn thành các thủ tục khai thác; khi đưa vào khai thác phải quản lý hiệu quả, chặt chẽ, tránh tiêu cực, đảm bảo toàn bộ cát khai thác phải cung cấp cho công trình cao tốc, chịu toàn bộ trách nhiệm nếu để thất thoát"- ông Quang đề nghị.
An Giang thiếu 2 triệu m3 cát cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết tỉnh sẽ quyết tâm hoàn thành thẩm định, phê duyệt các hồ sơ trình tự thủ tục liên quan trong tháng 11 và hoàn thành xác nhận thu hồi khoáng sản cho 10 khu mỏ trước ngày 31-12 theo đúng thời gian của các nghị quyết đặc thù.
Tuy nhiên, theo bà Thuý, An Giang vốn là địa phương cung cấp cát cho các dự án nhưng hiện An Giang lại đang thiếu 2 triệu m3 cát cho dự án của tỉnh.
“UBND tỉnh An Giang đã tranh thủ các nguồn để phân bổ cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tuy nhiên, đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang hiện nay vẫn còn thiếu khoảng 2 triệu m3 cát, tỉnh chưa có nguồn để cân đối"- bà Thúy nói.
Do đó, An Giang kiến nghị Bộ GTVT xem xét đưa các đoạn sông đủ điều kiện vào Danh mục các đoạn sông nạo vét thông luồng giao thông thủy và triển khai nạo vét, thu hồi khoáng sản để chia sẻ bớt khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ cho các công trình trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, An Giang kiến nghị Bộ GTVT sớm có đánh giá toàn diện về việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp để huy động nguồn vật liệu này, giảm bớt áp lực cho việc sử dụng cát nước ngọt.
Ưu tiên khai thác cát cho dự án cao tốc trước
Sau khi nghe các đơn vị ý kiến, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá cao tinh thần vào cuộc của các địa phương đối với các dự án. Có 2 vấn đề lớn trong thực hiện cao tốc là giải phóng mặt bằng được đánh giá tốt nhất cả nước, ngược lại vấn đề cung ứng nguyên vật liệu (cát) lại đang vô cùng cấp bách.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, chưa nhiệm kỳ nào mà Đảng, Nhà nước quan tâm đến ĐBSCL như nhiệm kỳ này. “Đảng, Nhà nước quan tâm rồi, ngân sách phân bổ nhưng chúng ta không xài được tiền cho công trình, không hoàn thành dự án phục vụ cho nhân dân thì có tội với dân”- ông Thắng nhấn mạnh.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh hỗ trợ, phấn đầu hoàn thành các thủ tục cấp mỏ trong năm 2023; hoàn tất thủ tục ĐTM sao cho các mỏ có thể khai thác được ngay, đảm bảo cung cấp 9,1 triệu m3 trong năm 2023 và khối lượng của năm 2024.
“Mặc dù biết rất khó nhưng chúng ta phải quyết thực hiện bằng được, thời gian cấp bách từng ngày từng giờ. Trước mắt, đề nghị Đồng Tháp, Vĩnh Long tháo gỡ cho các mỏ cát theo như đề nghị của Ban QLDA. Tỉnh An Giang hỗ trợ rà soát lại dự án nạo vét sông Vàm Nao làm thế nào có thể nâng công suất nạo vét lên, ưu tiên khai thác cát cho dự án trước còn khai thác thương mại thì lùi lại sau.
Còn Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu tiếp tục phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh công tác khảo sát, cấp phép khai thác cát nguồn cung cấp cho dự án. Đồng thời phối hợp rà soát các mỏ mới và quản lý chặt chẽ nguồn cát cung ứng đảm bảo tiến độ dự án”- Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị.