TP.HCM tìm 7,2 triệu m3 cát đắp nền cho vành đai 3

(PLO)- Các địa phương chưa phản hồi về việc cho phép sử dụng cát ở hồ Dầu Tiếng trong khi TP.HCM vẫn đang tìm nguồn cung cho khoảng 7,2 triệu m3 cát đắp nền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo tiến độ dự án vành đai 3. Trong đó, các nhiệm vụ đang thực hiện theo tiến độ đề ra. Bao gồm công tác triển khai dự án thành phần 1 (xây lắp) và dự án thành phần 2 (bồi thường GPMB, tái định cư).

"Về cơ bản các mốc tiến độ thực hiện hai dự án thành phần trên địa bàn TP đáp ứng yêu cầu của Chính phủ" - Sở GTVT TP nêu.

Đáng chú ý, Sở GTVT cũng đã báo cáo về nguồn vật liệu cung cấp cho dự án. Cụ thể, đất đắp nền đường khoảng 1,6 triệu m3; Cát đắp nền đường khoảng 7,2 triệu m3; Cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3; Đá xây dựng các loại khoảng 4,4 triệu m3.

Công nhân cắm mốc giải phóng mặt bằng cho đường vành đai 3 hồi tháng 10-2022. Ảnh: ĐÀO TRANG

Công nhân cắm mốc giải phóng mặt bằng cho đường vành đai 3 hồi tháng 10-2022. Ảnh: ĐÀO TRANG

TP.HCM cũng đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Các đơn vị đã phối hợp tổ chức khảo sát thực tế tại các địa phương.

Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy đất đắp nền đường, cát xây dựng, đá xây dựng các loại cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng cho dự án. Tuy nhiên, riêng cát đắp nền đường (khoảng 7,2 triệu m3) đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp.

Nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án vành đai 3 là rất lớn. Các khó khăn vướng mắc nổi lên chủ yếu phát sinh liên quan đến quy trình cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, sỏi cho dự án đầu tư công.

UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án vành đai 3.

Đồng thời gửi UBND các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh về chủ trương cho phép sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng phục vụ cho dự án. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương này chưa có ý kiến phản hồi theo đề nghị của TP.

Trước khó khăn trên, Sở GTVT TP kiến nghị Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp.

Từ đó, điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án vành đai 3 theo hướng dự án nào thi công trước sẽ điều phối nguồn cát phục vụ cho dự án đó trước.

Đồng thời, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có văn bản đề nghị các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh có chủ trương cho phép sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng phục vụ cho dự án vành đai 3.

Công việc trọng tâm thời gian tới
Tổ chức công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán; Phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 5; Khởi công công trình vào tháng 6-2023.
Công tác bàn giao mặt bằng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12-2023.

Hiện nay, các địa phương ở TP đã bắt đầu chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có dự án vành đai 3 đi qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm