Cấp cao nhất kiên quyết, chống tham nhũng sẽ hiệu quả

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) một lần nữa được tập trung mổ xẻ trong tọa đàm khoa học cùng tên, do Ban Nội chính Trung ương cùng Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương phối hợp tổ chức ngày 4-9.

Nêu gương tới cấp cao nhất và quyết tâm chính trị của Tổng bí thư

Ở góc độ quy định của Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn phân tích chưa bao giờ Đảng lại nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu như bây giờ. Nếu năm 2012, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, chủ chốt do Ban bí thư ban hành thì đến năm 2016, quy định này được nâng cấp lên tầm Bộ Chính trị.

Gần đây nhất, năm 2018, Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII ban hành Quy định 08 mà chỉ đọc tiêu đề đã thấy nghĩa vụ nêu gương ở tầm cao nhất: “…trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương”. Đây là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương ra một văn bản riêng như vậy về trách nhiệm nêu gương của đảng viên và người đứng đầu.

Theo TS Trần Thị Minh, Viện phó Viện Khoa học tổ chức, cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương, với những nhận thức như vậy, công tác PCTN trong thời gian gần đây, nhất là từ sau Đại hội XII, đã có những bước tiến mạnh mẽ.

Chung nhận định, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nói: “Chỉ khi nào, ở đâu người lãnh đạo gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh PCTN thì ở đó tham nhũng ít xảy ra. Ngược lại, nói không đi đôi với làm thì ở đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp”.

Kết quả rõ nhất là với quyết tâm chính trị của người đứng đầu các cấp, đặc biệt là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, từ đầu khóa đến nay, chỉ tính riêng cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 102 người, trong đó có ba ủy viên và nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 23 là nguyên hoặc ủy viên trung ương đương nhiệm, 25 tướng lĩnh công an, quân đội. Nhiều người trong số này trực tiếp hoặc gián tiếp thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra tham nhũng, thậm chí trực tiếp có hành vi tham nhũng…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá: “Công tác PCTN so với năm năm trước là có chuyển biến tích cực, khác biệt. Được như vậy là có vai trò người đứng đầu ở cấp cao nhất”.

TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, cho rằng: Cách phát huy vai trò người đứng đầu tốt nhất là thông qua “đại cuộc PCTN sinh tử mà thẩm xét, lựa lấy nhân tài, chọn người đứng đầu, cắt đặt đúng vị trí”. Ảnh: V.KIÊN

Trên nóng, dưới vẫn lạnh

Bức tranh chung tích cực là vậy, song đi vào chi tiết thì vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Ông Trần Hải Châu, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết ở địa phương này, tính từ năm 2013 đến nay đã xử lý hình sự 25 vụ án tham nhũng với 44 bị can.

Tuy nhiên, trong tất cả các vụ việc ấy, chưa có một người đứng đầu hay cấp phó người đứng đầu nào bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Cũng trong 25 vụ án tham nhũng ấy, chỉ có ba vụ là được phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra. Điều đó cho thấy kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.

Kết quả khiêm tốn ấy, như quan sát của TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương, còn thấy ở Bắc Ninh trong câu chuyện điều động con trai bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm từ công tác đoàn lên thẳng bí thư Thành ủy - chức danh được cơ cấu vào Thường vụ Tỉnh ủy - ban lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Để rồi khi dư luận báo chí bỉ bôi, Ban Tổ chức Trung ương có ý kiến thì mới vội vàng rút, điều động nơi khác.

Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2013 đến nay

Ban Nội chính Trung ương đang chủ trì tổng kết công tác PCTN từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN được thành lập theo mô hình mới do Tổng bí thư là trưởng ban, tháng 2-2013. Việc tổng kết được tiến hành từ cấp tỉnh trở lên, trên cơ sở đó sẽ có báo cáo tổng kết toàn quốc. 

Lựa lấy nhân tài, cắt đặt đúng vị trí

Giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém ấy trong các văn bản của Đảng, quy định của Nhà nước, Luật PCTN đều đã có.

Nhưng theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng, nên chăng Ban Nội chính Trung ương trong vai trò cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN tổng hợp dư luận về lãnh đạo đứng đầu các cấp, nhất là ở cấp cao, để chuyển cho họ thực hiện tự phê bình và phê bình.

“Như hồi Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII, các đồng chí Bộ Chính trị bằng cách ấy đã tổ chức kiểm điểm 9-10 ngày, đúng tinh thần gội từ trên đầu gội xuống, rất ý nghĩa, rất hiệu quả” - ông Hùng nói.

Hoặc đơn giản hơn, cũng theo ông Hùng, nên chăng chọn ra 10 vị đứng đầu nay đang “bóc lịch”, lật hồ sơ xem họ trưởng thành thế nào, sa ngã, hư hỏng thế nào. “Như chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, anh hùng lực lượng vũ trang đấy, giờ bị bắt giam, công tác cán bộ đau đớn lắm”.

Còn theo TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, công cuộc PCTN hiện nay đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đồng bào cũng như sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. Với đà thuận lợi ấy, phát huy vai trò người đứng đầu tốt nhất là thông qua “đại cuộc PCTN sinh tử mà thẩm xét, lựa lấy nhân tài, chọn người đứng đầu, cắt đặt đúng vị trí”.

Khi người đứng đầu chưa coi trọng chống tham nhũng

Đi vào lĩnh vực PCTN, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có thể nói tất cả nghị quyết, chỉ thị của Đảng đều khẳng định rất rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Thậm chí, khi công tác PCTN gặp phải nhiều hạn chế thì như Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị ban hành năm 2015 cũng thẳng thắn nêu:

“Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém trên trước hết là do người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng, chưa ý thức đầy đủ hậu quả của tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, sự tồn vong của chế độ; chưa thực sự coi chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới