Nóng trong tuần

Cấp giấy đăng ký kinh doanh: Phải tăng cường hậu kiểm

(PLO)- Sau khi cấp giấy đăng ký kinh doanh, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác hậu kiểm để kịp thời ngăn chặn hậu quả xấu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, những bài viết trên Pháp Luật TP.HCM như “Lo lắng vì bỗng dưng thành giám đốc”, “Lập công ty giả để chiếm đoạt tiền của công ty thật” đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Nội dung các bài viết liên quan đến vấn đề về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải mấy ngày qua.

Nội dung các bài viết liên quan đến vấn đề về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải mấy ngày qua.

Các bài báo phản ánh việc một người dân chưa từng làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh, cũng không ký giấy ủy quyền cho bất kỳ ai nhưng bỗng dưng đứng tên làm giám đốc công ty. Một trường hợp khác, một người đã thành lập công ty mạo danh giống tên công ty khác để yêu cầu đối tác chuyển tiền vào tài khoản của mình.

Một số bạn đọc thắc mắc không biết quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (giấy chứng nhận) như thế nào mà để xảy ra những trường hợp như trên?

Không nên đẩy cái khó cho người dân

Liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận và hoạt động của doanh nghiệp (DN), ông NMD, chủ một DN ở TP.HCM, cho biết để thành lập DN, trước tiên phải có hồ sơ và chữ ký của chủ DN. Liên quan đến giấy tờ cá nhân của chủ DN thì phải được công chứng.

Cũng theo ông D, việc một người lấy cắp thông tin của người khác để thành lập công ty là việc rất khó xảy ra. Bởi nếu người giả danh có nhặt được giấy tờ cá nhân (bản chính) thì người mất đã có cớ mất, làm lại giấy tờ, thông tin trên giấy tờ cũng đã thay đổi…

“Theo tôi, với những quy định hiện nay thì việc đánh cắp thông tin của người khác để thành lập công ty và đưa vào hoạt động là một điều không phải đơn giản. Bởi sau khi có giấy chứng nhận, chủ DN phải liên hệ với cơ quan thuế để đóng thuế môn bài, lập hồ sơ đến cơ quan thuế. Hơn nữa, cơ quan thuế kiểm tra rất chặt chẽ, thậm chí cán bộ thuế xuống DN xem có thật sự hoạt động hay không. Ngoài ra, khi có công văn gửi xuống DN nếu không có người nhận, không phản hồi lại thì cơ quan thuế sẽ thông báo đến các cơ quan rằng DN không có hoạt động tại trụ sở. Chính vì thế, việc một người giữ giấy chứng nhận không phải chủ DN mà có thể hoạt động thì phải xem lại trách nhiệm của cơ quan nhà nước” - ông D nêu ý kiến.

Chị TN, quận Gò Vấp, chia sẻ: “Với vụ việc trên, người bị mạo danh để thành lập công ty không có lỗi thì tại sao cơ quan chức năng lại hướng dẫn người dân tự liên hệ cơ quan công an để giải quyết cái sai của người khác? Như vậy có phải đẩy cái khó cho người dân? Trong trường hợp này, nơi cấp giấy phải có trách nhiệm gửi công văn cho công an để phối hợp làm rõ vụ việc. Đồng thời, khi nhận được phản ánh của người dân thì kiểm tra và thông báo ngưng hoạt động công ty ngay, tránh những hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra”.

“Để giải quyết những lỗ hổng khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phải tăng cường công tác hậu kiểm.”

TS Phan Phương Nam

Tăng cường hậu kiểm để hạn chế hậu quả

Trao đổi với PV, TS Phan Phương Nam, Phó Trưởng khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết hiện nay quy trình cấp giấy chứng nhận kinh doanh đa phần cơ quan cấp giấy nhận hồ sơ dưới hình thức online.

Theo đó, giấy tờ để làm cơ sở cấp giấy chỉ là những bản scan, bản PDF, người đăng ký nộp thông qua tài khoản online. Chính vì thế mới có tình trạng một người không nộp hồ sơ, không ký trên giấy tờ vẫn được cấp giấy bình thường như báo chí đã nêu.

TS Nam phân tích: Theo quy định, về mặt quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ thì cơ quan cấp giấy không làm sai. Liên quan đến tính chính xác thông tin trong hồ sơ thì phải xem xét trách nhiệm của người gửi. Bởi thông thường người gửi phải tự chịu trách nhiệm về độ chính xác mọi thông tin trong hồ sơ.

Mặt khác, cơ quan cấp giấy không thể nào ngồi kiểm tra thông tin có giả mạo hay không của người đứng tên DN. Đồng thời, người nhận hồ sơ cũng không yêu cầu người đăng ký nộp và ký trước mặt mình.

Ngoài ra, ngay cả những trường hợp người dân nộp hồ sơ trực tiếp thì cán bộ tiếp nhận cũng chỉ nhận hồ sơ, mọi thông tin trên hồ sơ đã được điền và ký trước đó.

“Xét toàn diện quy trình cấp giấy chứng nhận thì có thể thấy đây là lỗ hổng của pháp luật, bởi quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đơn giản. Nhưng phải nhìn nhận rằng đây là việc làm mà chúng ta đang đánh đổi. Bởi Việt Nam đang khuyến khích người dân thành lập DN, đơn giản các thủ tục hành chính giúp người dân thuận tiện hơn. Để giải quyết những lỗ hổng khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phải tăng cường công tác hậu kiểm” - TS Nam nhận định.

Theo TS Nam, sau khi cấp giấy chứng nhận cho DN thì các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra. Cụ thể, Sở KH&ĐT phải phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra thực tế DN có hoạt động hay không, những người thành lập có thể chịu trách nhiệm liên quan như thế nào. Việc xảy ra tình huống như tình trạng trên là do những cơ quan liên quan chưa làm mạnh, làm chưa quyết liệt công tác hậu kiểm, dẫn đến tình trạng lập hồ sơ khống vẫn còn tồn tại.•

Hướng xử lý khi bị người khác mạo danh mở công ty

Khi phát hiện thông tin cá nhân của mình bị đánh cắp, bị kẻ gian mạo danh mở DN. Trước tiên, người dân phải có đơn phản ánh đến cơ quan cấp giấy phép. Nếu không được giải quyết thỏa đáng thì có thể nộp đơn khởi kiện đến tòa án, yêu cầu hủy giấy chứng nhận.

Bởi trên thực tế, người bị mạo danh không nộp hồ sơ, không ký và không có yêu cầu cấp giấy phép thì hoàn toàn có cơ sở để hủy giấy chứng nhận.

Ngoài ra, người dân có thể nộp đơn đến cơ quan công an để được xem xét xử lý hình sự nếu có dấu hiệu hình sự.

TS PHAN PHƯƠNG NAM, Phó Trưởng khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm