Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sẽ là biểu tượng mới của TP.HCM?

(PLO)- TP.HCM kỳ vọng dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sẽ trở thành biểu tượng mới của TP.HCM trong thời gian tới, dự kiến khởi công vào tháng 4-2025.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM để xin chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (kết nối công viên Bến Bạch Đằng, quận 1 với công viên bờ sông khu đô thị mới Thủ Thiêm,TP Thủ Đức).

Theo Sở GTVT, dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn do Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood tài trợ, tổng mức đầu tư hơn 996 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2024 – 2027.

Trong đó, quý III-2024 sẽ lập, thẩm định, đề xuất dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư; Quý IV/2024 sẽ lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sẽ trở thành biểu tượng của TP.HCM
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sẽ trở thành biểu tượng mới của TP.HCM. Ảnh: Sở GTVT TP cung cấp.

Quý I-2025 lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng. Dự kiến khởi công vào tháng 4-2025. Năm 2025-2027 tiếp tục thi công xây dựng, bàn giao công trình.

Phạm vi đầu tư dự án cầu đi bộ có điểm đầu trong khu vực công viên Bạch Đằng quận 1 và điểm cuối trong khu vực công viên bờ sông, giáp với đường Nguyễn Thiện (tuyến R3) thuộc đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.

Với thiết kế kiến trúc mang hình tượng lá dừa nước - hình ảnh đặc trưng của miền Nam độc đáo, ấn tượng, giản dị, kỳ vọng tạo sức hút với người dân và du khách đến TP.HCM.

Chiều dài cầu đi bộ khoảng 261m, gồm nhịp chính có kết cấu vòm treo dây văng dài 187m, dầm bằng thép; mặt cắt ngang cầu chính có chiều rộng thay đổi từ 7m đến 11m dành cho người đi bộ.

Cầu dẫn và ram dốc phía quận 1: Dài khoảng hơn 285m, rộng 6 m, nhịp cầu dẫn ram dốc bằng dầm bê tông cốt thép.

Cầu dẫn và ram dốc phía Thủ Thiêm: có 2 nhánh với chiều dài dự kiến từng nhánh như sau: Nhánh 1 dài khoảng 290m, chiều rộng 6 m, dầm thép; Nhánh 2 dài khoảng 165m, chiều rộng 6 m, dầm thép kết hợp dầm bê tông cốt thép.

Cầu đi bộ tận dụng ưu thế của bờ sông, hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và không gian công cộng dọc bờ sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận.

Cầu đi bộ sau khi hoàn thành có thể là một trong những biểu trưng mới của TP, là nơi phục vụ cho người dân TP cũng như du khách khi đến tham quan du lịch; cung cấp hoạt động trải nghiệm không gian ngắm cảnh, tiện nghi đô thị.

Việc đầu tư dự án cầu đi bộ phù hợp với chủ trương của Đảng bộ TP, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP, không trùng lắp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư.

Thời gian qua, Thành ủy, ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều chủ trương nhằm kêu gọi, thu hút, huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội TP nhanh và bền vững, góp phần nâng cao đời sống.

"Chấp thuận chủ trương đầu tư và tiếp nhận nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước để đầu tư xây dựng công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn là đóng góp vì sự phát triển chung của TP"- Sở GTVT TP nêu.

Sau khi hoàn thành công trình cầu đi bộ, Công ty Nutifood sẽ bàn giao cho UBND TP.HCM tiếp nhận quản lý, khai thác, vận hành công trình.

Sở GTVT kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Đồng thời, giao UBND TP Thủ Đức và Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 quảng trường trung tâm và công viên bờ sông tại khu đô thị mới Thủ Thiêm; điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất trong khu A và khu P2 phù hợp với phương án thiết kế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm