Cầu thấp, ghe tàu khó qua lại

Thông tin từ bạn đọc phản ánh: Ngày 15-11-2011, dù hồ sơ thiết kế chưa đầy đủ nhưng UBND xã Phước Đông, huyện Cần Đước (Long An) vẫn vội vã tổ chức thi công để hoàn thành cầu Ông Bán bắc qua con rạch rộng 50 m nối liền ấp 3 với ấp 4. Nhận thấy việc xây dựng cầu gây ra tình trạng ách tắc giao thông đường thủy, cụ thể là các ghe, tàu chuyên chở hàng hóa không thể qua lại con rạch nên nhiều người dân đã khiếu nại.

Hai ngày sau (17-11), chủ tịch UBND huyện đã họp với UBND xã và chỉ đạo: “Do việc xây dựng cầu nhằm đáp ứng giao thông đường bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải đường thủy nên xã phải tạm đình chỉ thi công để lấy ý kiến thông qua phương án thiết kế mới bảo đảm an toàn giao thông thủy. Giải pháp thiết kế mới phải phù hợp với luồng tuyến của rạch (mặt cầu rộng 2,5 m; khoảng không thông thuyền trên 12 m; chiều cao cầu so với mực nước lớn nhất trên 3,5 m). Trường hợp có vướng mắc thì UBND xã liên hệ các bộ phận chức năng của huyện để được hướng dẫn thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật”. Thế nhưng UBND xã đã không chấp hành chỉ đạo này của huyện và vẫn cho phép thi công không theo đúng thiết kế nêu trên cả ngày lẫn đêm. Chỉ trong thời gian ngắn cây cầu đã được hoàn thành.

Cầu thấp, ghe tàu khó qua lại ảnh 1

Vướng cây cầu này, nhiều ghe tàu đã không thể lưu thông trên con rạch. Ảnh: THÁI HIẾU

Khảo sát thực tế, PV nhận thấy một đầu cầu nối liền với lộ tráng xi măng thuộc ấp 3, đầu kia nối vào con đường mòn nhỏ bên ấp 4 dẫn tới một vài căn chòi của những người trông giữ các hồ nuôi tôm. Một người dân cư ngụ ven bờ rạch thuộc ấp 3 cho rằng: “Cây cầu này nhằm giúp người dân ấp 4 đi ra quốc lộ 50 gần hơn. Tuy nhiên, trên thực tế ít người sử dụng chỉ vì cây cầu bắc qua rạch dẫn vào đường mòn tới các chòi của một vài hộ nuôi tôm là hết đường. Vì vậy, người dân ấp 4 vẫn sử dụng lối đi trước đây tuy có xa hơn nhưng xe máy có thể chạy được nên không phải mất công lội ruộng 3, 4 km”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Càng (tổ 12, ấp 3) sinh sống nhờ vào ghe chở hàng hóa qua lại con rạch này đã vài chục năm, bức xúc: “Kể từ ngày có cây cầu, gia đình tôi không thể cho ghe vào rạch để tới bến neo đậu. Chúng tôi đành phải đậu nhờ bến ở ngoài sông lớn rất khó khăn”.

Ông Ba Hưng, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện hơn 10 năm qua, có ghe tàu chở cát, đá ra vào con rạch trên, cho biết: “Chúng tôi đã bị thiệt hại rất nhiều chỉ vì không thể vận chuyển vật tư đến bãi chứa hàng hóa để phân phối cho khách hàng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện và tỉnh xem xét lại việc xây cầu trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

“Vì sao vội vã xây dựng cầu dù đã có chỉ đạo dừng thi công của chủ tịch UBND huyện?”. Với câu hỏi này của PV, ông Đỗ Hồng Đăng, Chủ tịch UBND xã Phước Đông, đáp: “Dù huyện có chỉ đạo đình chỉ nhưng sau đó huyện lại có văn bản cho phép xã làm chủ đầu tư và bàn bạc với dân (người hỗ trợ chi phí xây cầu) để lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Ngặt nỗi người dân không chịu. Từ đó, xã đã chủ quan cho đây là sông rạch nhỏ nên vẫn cho tiến hành thi công dẫn đến hậu quả như trên. Riêng việc cầu dẫn qua khu vực không có đường chính, xã sẽ huy động bà con hiến đất mở đường sau…”.

PV đề nghị được xem văn bản huyện cho phép tiếp tục thi công cầu thì được chủ tịch xã cung cấp Văn bản số 3173 ngày 1-12-2011 của UBND huyện. Nhưng điều đáng nói là văn bản này nêu rất rõ yêu cầu “việc triển khai thi công cầu phải bảo đảm lưu thông đường bộ và đường thủy”.

Huyện đã kiểm điểm lãnh đạo UBND xã và những cán bộ có liên quan cũng đã thừa nhận sai phạm. Hiện Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và thanh tra huyện đã vào cuộc xác định rõ động cơ để huyện có cơ sở xử lý nghiêm các sai sót của lãnh đạo xã trong việc trên bảo dưới không nghe. Riêng việc xử lý cây cầu, huyện đang chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn của tỉnh để có hướng khắc phục nhằm bảo đảm lưu thông đường thủy lẫn đường bộ cho người dân.

Ông NGUYỄN QUÝ TÍNH, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước,
Long An

THÁI HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm