Tại Khánh Hòa, loài trà này chỉ tìm thấy ở Hòn Bà, phân bố rải rác hoặc thành từng cụm nhỏ. Cây sinh trưởng chậm, tái sinh tự nhiên ít.
Nhà bác học A.Yersin không chỉ là một bác sĩ tài ba, mà ông còn là nhà nông học, thiên văn học, nhà thám hiểm, cốt cách tuyệt vời nhất trong ông chính là trái tim nhân hậu. Rất nhiều công trình khoa học vĩ đại mang lại hiệu quả vô cùng lớn lao.
Nhân ngày giỗ lần thứ 81 bác sĩ lừng danh A.Yersin (1-3/1943 – 1-3/2024), PLO xin giới thiệu đến bạn đọc một "chứng nhân lịch sử", cây trà cổ thụ trên đỉnh núi Hòn Bà được cho là mọc tự nhiên tại khu nhà làm việc của bác sĩ Yersin, đến nay đã trên 100 năm tuổi.
Theo các tài liệu lưu trữ, nhật ký chuyến đi ngày 21-6-1893 ghi ông tìm ra Cao nguyên Lâm Viên, Lang Biang (Đà Lạt được khởi công xây dựng năm 1899). Trở về Nha Trang ông chính thức đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu vào những năm 1895 - 1896.
Ông âm thầm cống hiến cả cuộc đời cho khoa học thế giới nói chung và cho ngành y tế dự phòng Việt Nam nói riêng: Ông đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và hệ thống các Viện Pasteur tại Đông Dương, đem lại hiệu quả vô cùng to lớn trong phòng chống dịch bệnh cho khu vực Đông dương và Châu Á. Đồng thời ông chinh phục đỉnh núi Hòn Bà có độ cao tuyệt đối 1.578m, cách TP Nha Trang khoảng 60km về hướng Tây Nam. Đây là khu vực còn nhiều rừng nguyên sinh với địa hình hiểm trở, đã được bác sỹ A. Yersin phát hiện vào năm 1914. Tại độ cao 1.500m, bác sĩ Yersin đã xây dựng 1 ngôi nhà gỗ (1916) làm Trạm quan trắc khí tượng và sau đó trồng thử nghiệm nhiều loài thực vật (dược liệu, hoa cảnh…), trong đó có cây Quinquina.
Bên cạnh ngôi nhà, có 1 cây trà cổ thụ rất ấn tượng với khách tham quan, kể cả những nhà nghiên cứu về hệ thực vật. Các nhà khoa học cũng tin rằng, Bs. Yersin đã trồng cây trà này sau khi đã xây dựng ngôi nhà, cùng với nhiều loài cây rừng đặc sắc khác quanh khu vực này. Mặc dù cây trà có kích thước không lớn, đường kính gốc khoảng 20cm và chiều cao 16m, nhưng thân và nhiều cành nhánh phủ đầy rêu và địa y, có vẻ cằn cỗi và khá lâu năm (khoảng 100 năm).
Theo một số chuyên gia, cây trà trên đỉnh núi Hòn Bà là loài trà được chuyên gia Poilane thu mẫu vào năm 1918 và nhà thực vật học A.Chevalier công bố với tên khoa học Thea yersinii A.Chev. ex Gagnep. (tên Việt Nam: Trà Yersin), để vinh danh Bs Yersin, người phát hiện Hòn Bà.
Nhưng sau đó, chi Thea (chi Trà) được nhập vào chi Camellia (chi Trà/Trà my) và Dr. Merrill đã công bố theo danh pháp mới Camellia pubicosta Merr. (1942), phân bố ở Ba Vì, Vinh, Hòn Bà...
Theo Phạm Hoàng Hộ (1999), Camellia yersinii (Thea yersinii) là tên đồng danh của loài trà này. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Dongwei Zhao (2017) dựa trên cơ sở hệ thống phân loại và tổng hợp nhiều nguồn dữ liệu (so sánh hình thái, phát sinh loài và sinh học phân tử) đã dẫn chứng tên khoa học được sử dụng rộng rãi hiện nay là Camellia sinensis var. assamica (J.W.Mast.) Kitam (1950) - gọi là Trà Assam, gắn với địa danh vùng Assam của Ấn Độ, nhưng Trà Assam cũng phân bố ở Trung Quốc. Loài này bao gồm nhiều tên đồng danh (synonym), trong đó có Thea yersinii.
Hình thái cây trà này dạng gỗ nhỏ hoặc cây bụi, cao đến 20 m, thường có màu xanh, nhiều cành nhánh. Lá đơn, mọc cách, phiến lá hình elip, hoặc hình trứng, mép lá có răng cưa nhỏ.
Hoa trà ở nách lá, mọc đơn độc hay mọc cụm 3-4. Hoa lưỡng tính, kích thước hoa 3cm, màu trắng, nhụy hoa rất nhiều màu vàng nhạt; vòi nhụy 3, rời. Quả nang 3 mảnh, hình cầu hơi bẹp, kích thước 3-4cm; hạt màu nâu, cứng. Mùa hoa vào tháng 9-10; ra quả vào tháng 2–3 năm sau.
Tại Khánh Hòa, loài trà này chỉ tìm thấy ở Hòn Bà, phân bố rải rác hoặc thành từng cụm nhỏ. Cây sinh trưởng chậm, tái sinh tự nhiên ít.
Do biến đổi khí hậu và môi trường sống không còn thuận lợi nên chuyên gia nhận định sẽ có nguy cơ thu hẹp phạm vi phân bố của loài, cần nghiên cứu các biện pháp nhân giống và khoanh vùng bảo tồn loài cây này tại Hòn Bà.
Cây trà đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với những người yêu thích thiên nhiên, khi đặt chân lên đỉnh Hòn Bà, đắm chìm trong sương mù sáng sớm và được thưởng thức một tách trà bốc khói với hương vị độc đáo, hoài niệm về quá trình khám phá Hòn Bà của Bs Yersin. Loài trà này đã được đề xuất bảo tồn tại Hòn Bà, là điểm nhấn trong hành trình “Theo dấu chân của Bác sĩ Yersin”.
Trà xanh, hay còn gọi là chè xanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Vì trong quy trình sản xuất, trà xanh không trải qua quá trình lên men như các loại trà khác. Thay vào đó, loại dược liệu này được sản xuất bằng cách sấy khô ở nhiệt độ cao. Phương pháp này giúp trà duy trì các phân tử quan trọng, đặc biệt là polyphenol, một thành phần quý giá mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Ngoài ra, trà xanh còn chứa 2 – 4% cafein, có tác động tích cực đối với tư duy và sự tỉnh táo. Đặc biệt, trà cũng có khả năng tăng cường lượng nước tiểu và cải thiện chức năng của tế bào tiếp nhận thông tin não, đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ người mắc bệnh Parkinson. Chất cafein trong trà xanh kích thích tim, hệ thống thần kinh, và cơ bắp, giúp tạo ra sự tỉnh táo và năng lượng cho cơ thể.