Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để gầy dựng thương hiệu Việt trụ vững ở thị trường này như Bitis, Vinamit, Trung Nguyên…
Gần đây, Sở Công thương TP.HCM, Hội DN hàng Việt Nam tham gia hội chợ tại Thượng Hải, qua đó, các DN đã tìm kiếm được khách hàng mới, mở thêm cơ hội cho hàng Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc.
Hàng Việt cạnh tranh hàng Thái Lan, Hàn Quốc
Chia sẻ với PLO, CEO DH Foods Nguyễn Trung Dũng cho biết, các sản phẩm gia vị của công ty xuất sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu không khó khăn khi bán sang Trung Quốc.
Thị trường hơn 1 tỉ dân, khẩu vị người tiêu dùng Trung Quốc tương đồng với Việt Nam cũng như sự cởi mở với sản phẩm mới. Nếu DN nghiên cứu thị trường, đầu tư sẽ khai thác tốt và có chỗ đứng ở thị trường rộng lớn này.
Theo ông Dũng, năm ngoái công ty tham gia hội chợ Sial ở Trung Quốc, có đối tác đặt hai container hàng gia vị để tìm hiểu thị trường.
“Chúng tôi đã nghiên cứu trước, tìm hiểu nên mang những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khẩu vị của họ. Khách hàng Trung Quốc thích các loại sốt trái cây chấm bít tết, sốt chấm gỏi cuốn, sốt tiêu đen, sốt BBQ. Đây là kết quả đáng mừng, bởi những thị trường khác có khi một đến hai năm làm việc mới có đơn hàng”-ông Dũng chia sẻ.
CEO này thông tin thêm, nhằm mở rộng kênh phân phối tại Trung Quốc, cách đây một tuần công ty cùng Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao tiếp tục tham gia hội chợ Sial Thượng Hải. Tại hội chợ, những nhà phân phối, siêu thị đàm phán, kí hợp đồng phân phối độc quyền một số sản phẩm của công ty.
Tại thị trường Trung Quốc, các loại gia vị trong đó có sốt của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc nhiều. Chẳng hạn, một đối tác của công ty nhập hàng chục loại sốt của Thái Lan 300 container/năm.
"Bên cạnh đó, từ khi khởi nghiệp, định hướng của công ty sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì vậy, trước xu hướng tiêu dùng xanh của thị trường thế giới trong đó có thị trường Trung Quốc công ty sẵn sàng đáp ứng tốt"-ông Dũng chia sẻ.
Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datafa Phạm Thành Danh nêu một số khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, đó là một số rào cản về chứng nhận thủ tục giống như khi DN xuất khẩu sang Mỹ phải có giấy chứng nhận FDA.
Dù vậy, ông Danh cho rằng rào cản này không đáng kể. Theo ông quan trọng nhất để sản phẩm tiếp cận thị trường Trung Quốc là chất lượng và giá cả. Ngoài ra, khi hàng hóa vào Trung Quốc thì mã HS Code của sản phẩm sẽ thay đổi một số chi tiết, một vài container hàng đầu tiên thông qua dịch vụ hải quan tình hình sẽ cải thiện hơn.
Theo ông Danh, năm ngoái công ty tham gia một hội chợ tại Trung Quốc và đã tìm được đối tác. Theo đó, trung bình mỗi tháng công ty bán được bốn container sản phẩm nước dừa sang thị trường Trung Quốc.
"Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, sản phẩm của chúng tôi, 100% nước dừa nguyên chất, không dùng chất bảo quản, đây là yếu tố giúp cho sản phẩm của Datafa tiếp cận tốt thị trường Trung Quốc. Dự kiến năm nay, công ty xuất khẩu khoảng 10 container/tháng"-ông Danh chia sẻ.
Ở góc độ DN thương mại điện tử, ông Mai Thanh Thái, đồng sáng lập, kiêm quản lý chuỗi cung ứng Food Map đánh giá, thị trường Trung Quốc tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. Trung Quốc không còn là thị trường khó tính, họ đã xây dựng các quy chuẩn, quy tắc để vào thị trường này.
Qua hội chợ, đơn vị học được cách tìm hiểu thị yếu khách hàng tiêu dùng cuối của thị trường Trung Quốc. Tiếp đến DN chọn lọc đối tác thật sự uy tín để đồng hành trong quá trình mở rộng thị trường, đồng thời không ngừng đổi mới sáng tạo để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thị trường Trung Quốc.
Nhiều hàng Việt hiện diện tại Trung Quốc
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, đổi mới sáng tạo, trong đó tiêu dùng xanh đang là xu hướng. DN đừng bao giờ nuôi suy nghĩ thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, thị trường cho hàng hóa thấp cấp.
“Thời điểm này là lúc chúng ta định vị lại sản phẩm của mình, tất nhiên có sản phẩm phân khúc bình dân nhưng đã thâm nhập thị trường Trung Quốc thì phải tính đến việc tồn tại và phát triển lâu dài”-bà Hạnh chia sẻ.
Về hướng xuất khẩu, bà Vưu Lệ Quyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH hàng tiêu dùng Bình Tiên (Bitis) cho biết, hiện nay thị trường xuất khẩu chiếm 30%, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 10%.
Các phẩm của công ty tại thị trường Trung Quốc mang thương hiệu Bitis với giá cạnh tranh, chất lượng tốt nên người tiêu dùng Trung Quốc ủng hộ 30 năm qua.
Tương tự, trên 30 năm làm ăn tại Trung Quốc, ông Lý Tứ Xuyên đại diện Vinamit tại Trung Quốc thẳng thắn chia sẻ, khi các công ty nước ngoài thâm nhập thị trường Trung Quốc, có thể gặp những khác biệt về văn hóa và thói quen tiêu dùng. Do đó, DN cần điều chỉnh và điều chỉnh chiến lược sản phẩm của mình.
Để thiết lập các kênh bán thực phẩm nhập khẩu ổn định tại thị trường Trung Quốc đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó, tại thị trường Trung Quốc có nhiều công ty thực phẩm địa phương nên cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, DN Việt khi thâm nhập thị trường Trung Quốc cần nỗ lực để nổi bật về giá cả, chất lượng, thương hiệu…
Đồng thời, DN tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty địa phương của Trung Quốc để cùng phát triển thị trường, thiết lập các kênh bán hàng và hệ thống chuỗi cung ứng ổn định.
Ngoài ra, ông Xuyên lưu ý những thay đổi trong môi trường thương mại quốc tế có thể dẫn đến điều chỉnh thuế quan hoặc gia tăng các rào cản thương mại. Điều này ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu, khả năng cạnh tranh thị trường của các công ty nước ngoài.
Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit đánh giá, đối với thị trường hơn tỉ dân như Trung Quốc, thực phẩm là lĩnh vực luôn là ưu thế mang lại giá trị doanh số cao cho DN.
“Tôi mong có nhiều thương hiệu Việt, do người Việt làm chủ ở thị trường Trung Quốc, nhất là sản phẩm từ nông nghiệp”-ông Viên nói.
Chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Việt Nam có nhiều hàng hóa cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Chẳng hạn nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng mạnh và là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Hơn nữa, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính, do đó trong bối cảnh hiện nay Việt Nam, việc thâm nhập thị trường Trung Quốc là bài toán cần xem xét. Trong đó, DN phải nâng cao đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh để thâm nhập thị trường tốt nhất.
“Do có nhiều nét tương đồng, nếu DN Việt không đổi mới công nghệ, sản xuất kinh doanh sẽ gặp một số khó khăn. Đồng thời, DN cần quảng bá, xây dựng thương hiệu để hàng Việt ngày càng hiện diện mạnh mẽ hơn tại thị trường có sức tiêu dùng rộng lớn này”- TS Thịnh định hướng.
Theo Tổng Cục thống kê, năm tháng đầu năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 22,6 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Công thương, năm 2024 đối với các đối tác trong khu vực Đông Bắc Á (gồm Trung Quốc) phối hợp và hỗ trợ các địa phương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn tại các cửa khẩu biên giới.
Tập trung cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nông sản mùa vụ của Việt Nam như vải thiều, gạo, sầu riêng, thanh long sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.