Ông Trần Lâm, tác giả cuốn sách Cất cánh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), đồng thời là chủ của bảy thương hiệu đình đám trên các nền tảng TMĐT Việt Nam (VN), cảnh báo: “Nếu nhà bán (seller) VN chỉ biết than vãn, chê trách hay trông chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước mà không chịu thay đổi thì chỉ có nước đi làm… shipper cho các kho hàng khủng của Trung Quốc (TQ)”.
Nhận định trên được các chuyên gia kinh tế, nhà bán đồng tình. Họ cho rằng thay vì than thở và sợ hãi, các doanh nghiệp Việt hãy “hành động ngay và luôn”.
Không để mất lợi thế sân nhà
Cảm nhận và tham quan thực tế các tổng kho hàng của TQ xây dựng sát biên giới VN, ông Bùi Sơn Tâm, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Vaithuhay.com, cho rằng “trong nguy có cơ và các nhà bán VN nên tìm kiếm cơ hội trong nguy cơ”. Bởi việc TQ xây dựng hàng loạt kho hàng, trung tâm logistics khủng tại biên giới phía Bắc VN không có nghĩa là cơ hội của công ty VN bằng 0, không có nghĩa là hàng VN không thể cạnh tranh với hàng TQ.
“Tôi cho rằng sẽ có lo lắng, sợ hãi; có tính toán lại về giá bán ra, có người chấp nhận giảm lợi nhuận… Điều này phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng công ty, từng doanh nhân. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, chúng ta không thể đi theo con đường cạnh tranh về giá, bởi sẽ không bao giờ “chơi” lại họ. Thay vào đó, người bán hàng VN nên phát triển và khai thác lợi thế bản địa như xây dựng thương hiệu, tạo sự uy tín. Vì tôi cho rằng ngay cả khi các công ty TQ thuê người VN livestream bán hàng TQ cho người VN thì cũng không có lợi thế bằng người VN bán hàng VN cho người VN” - ông Tâm bày tỏ.
Công ty Việt xây hai trung tâm logistics ở Trung Quốc
Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) thông tin đầu tháng 3 vừa qua, đơn vị này đã đầu tư xây dựng hai trung tâm logistics lớn tại TQ, bao gồm Trung tâm giao dịch nông sản TQ - ASEAN tại TP Bằng Tường và Trung tâm logistics tại TP Nam Ninh.
Đại diện Viettel Post cho biết đây là nỗ lực nhằm mục đích kết nối các vùng nguyên liệu, vùng nông nghiệp, thủy hải sản với điểm kết nối giao thông đường sắt, đường biển, cảng hàng không và các cửa khẩu để giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa.
Vẫn theo ông Tâm, seller Việt nên tự chuyên nghiệp hóa khả năng bán hàng của chính mình, xây dựng local brand (thương hiệu nội địa) đích thực, có sức lan tỏa tới người dùng Việt. Cùng với đó, phải thúc đẩy bán hàng đa kênh. Bởi lâu nay các nhà kinh doanh VN chủ yếu tập trung vào kênh cửa hàng truyền thống, sàn TMĐT, mà quên đi kênh bán hàng qua website. Trong khi đó, một số thương hiệu đã dùng chính website của mình để bán hàng ra quốc tế.
Khai thác thị trường ngách gắn với thế mạnh hàng Việt
Dưới góc độ chuyên gia tư vấn về TMĐT và người kinh doanh trong lĩnh vực này, ông Trần Lâm cho rằng bài toán giá luôn là thách thức đối với người bán nhưng thay vì giá rẻ thì hãy đánh vào “tốt nhất trong quãng giá”. Hiện nay người tiêu dùng đã thông minh hơn và không bị chi phối với giá rẻ nhiều như trước đây nữa.
Thứ hai, nhà bán hoặc doanh nghiệp có thể tìm kiếm các thế mạnh của VN trong lĩnh vực nông nghiệp sau chế biến hay các dòng mỹ phẩm thiên nhiên, cũng như tìm kiếm các thị trường ngách mà TQ vốn không có lợi thế ở VN.
“Theo quan điểm của tôi, nước ta đang có lợi thế cạnh tranh về nông sản, thực phẩm, mỹ phẩm… bởi tâm lý của người tiêu dùng VN vẫn lo ngại sử dụng các mặt hàng này từ nước bạn. Do đó, tôi cho rằng thị trường ngách gắn liền với thế mạnh nông nghiệp Việt là một gợi ý cho nhà bán trong thời gian tới” - ông Lâm chia sẻ.
Kinh doanh trong lĩnh vực thời trang - vốn là ngành chịu nhiều sức ép từ nhà bán TQ, ông Đào Thế Vinh, nhà sáng lập thương hiệu Midori, nhấn mạnh: Thay vì cạnh tranh về giá, doanh nghiệp Việt hãy cạnh tranh về thiết kế, mẫu mã cũng như xây dựng thương hiệu.
Ông Vinh phân tích: “Chúng ta không có cơ hội đối đầu với hàng TQ về giá, hay những hỗ trợ về giá bán, kho vận của TQ. Vì vậy chúng ta hãy đối đầu với họ về chất lượng và sự sáng tạo trong kinh doanh”.
Với suy nghĩ tích cực, ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc kinh doanh tại Metric, nền tảng số liệu TMĐT tin rằng sự hiện diện của những kho hàng cận biên sẽ là cú hích kích thích quy mô TMĐT VN. Cùng với thách thức sẽ mở ra cơ hội doanh thu hấp dẫn cho các nhà bán nhờ việc mở rộng không gian mua sắm. Đây cũng là cơ hội để nhà bán VN khai thác các sản phẩm tiềm năng để đưa đến khách hàng quốc tế.
Phát triển hệ thống logistics Việt Nam
Là người chuyên kinh doanh trong lĩnh vực thời trang thông qua việc mua hàng trên Taobao,
một nền tảng TMĐT của TQ, chị Trà My (Đà Nẵng) thừa nhận: Giá cả, thời gian vận chuyển, mẫu mã hàng từ TQ đang có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là họ đánh vào phân khúc của giới trẻ.
“Trước đây mỗi kiện hàng tôi order cho khách mất 7-10 ngày mới có thể về tới nơi nhưng hiện nay chỉ mất ba ngày là hàng về đến VN. Cùng là chiếc đầm trẻ em, với mức giá tương đương, khi gửi hàng từ nước ngoài về TP.HCM chỉ tốn 17.000 đồng trong khoảng thời gian năm ngày. Nếu mua hàng trong nước từ Hà Nội vào TP.HCM cũng mất 4-5 ngày vận chuyển nhưng phí ship là 25.000 đồng” - chị Trà My dẫn chứng.
Điều này khiến cho người mua hàng phải đặt lên bàn cân so sánh. Chính vì thế, các công ty Việt mong sẽ có những thay đổi tích cực trong khâu vận chuyển, từ đó gia tăng trải nghiệm tốt hơn với người tiêu dùng.
Đề cập đến vấn đề này, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng để kinh doanh số phát triển thì cần cải cách và phát triển về cơ sở hạ tầng logistics lẫn hệ thống fintech - công nghệ tài chính.
Cụ thể, cần phát triển hệ thống logistics cắm sâu vào những khu đô thị lớn như TP.HCM để tăng sự tiếp cận với người dùng, đồng thời giảm bớt chi phí, thời gian vận chuyển. Đặc biệt, với các khu logistics ở đô thị lớn phải định hình đó là khu logistics gắn với TMĐT, dựa trên các xu hướng mới.
“Chúng ta không thể xây một kho hàng quá xa, vì như vậy sẽ khó bán được hàng” - ông Vũ nhấn mạnh.
Thương mại Trung Quốc phát triển nhanh nhờ logistics
Muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường. Nền tảng của sự phát triển logistics chính là cơ sở hạ tầng giao thông, không có cơ sở hạ tầng giao thông đi kèm sẽ không thể phát triển logistics một cách hiệu quả và giảm chi phí logistics được.
Lấy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây làm ví dụ. Tính đến cuối năm 2022, Quảng Tây có 8.000 km đường cao tốc được thông xe, thực hiện toàn diện việc tiếp cận đường cao tốc đến giữa các huyện. Ngoài ra, đường sắt của Quảng Tây có 5.216 km, trong đó 1.792 km là tàu cao tốc.
Chính cơ sở hạ tầng giao thông này đã cung cấp một sự bảo đảm vật chất vững chắc để làm giảm chi phí logistics và cải thiện hiệu suất logistics ở TQ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng cũng như chi phí logistics đang chiếm vai trò quan trọng trong sự phát triển của TMĐT TQ, mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh về giá và thời gian vận chuyển, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.
Hiện nay chính phủ TQ đang nỗ lực giảm chi phí logistics. Chẳng hạn, lấy vận tải đa phương thức làm bước đột phá và trên cơ sở tối ưu hóa mạng lưới cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh việc điều chỉnh cơ cấu vận tải, xây dựng bố cục “phù hợp với đường sắt thì sử dụng đường sắt, phù hợp với đường bộ thì sử dụng đường bộ, phù hợp với đường thủy thì sử dụng đường thủy” để giảm chi phí vận chuyển toàn diện.
TQ cũng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kiểu mới, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin thế hệ mới như “Internet +”, dữ liệu lớn, điện toán đám mây...
Ông NGỤY HOA TƯỜNG, Tổng lãnh sự TQ tại TP.HCM