Ngay từ thập niên 60 của thế kỷ trước, một đội ngũ những người bạn làm việc cùng nhau cho ra mắt độc giả tờ nguyệt san mang tên Hara Kiri, tiền thân của Charlie Hebdo. Quan điểm thể hiện lúc đó đã là mang tính trào lộng.
Phất cao lá cờ “hài hước cay độc”
Với xuất phát điểm là 2.000 bản mỗi kỳ, nguyệt san Hara Kiri đã nhanh chóng phát triển. Trong một nước Pháp theo phái de Gaulle, một nước Pháp vốn còn giữ cho mình khá nhiều tính cách đoan trang, kín đáo thì tờ báo này thế là đã trở thành một sản phẩm “xấc xược” nhưng lại mang đến được niềm vui cao độ cho độc giả. Tờ báo nghiễm nhiên trở thành một chủ thể “dám vi phạm”, dám “không tuân thủ” lề lối xã hội của nước Pháp lúc đó. Chẳng mấy chốc sau, ngay năm 1961, lần đầu tiên tờ báo đã bị khâu kiểm duyệt sờ gáy với lý do rằng các hình vẽ của Fred và Topor là “mầm bệnh”. Thế là bảy tháng bị đình bản. Bảy tháng lay lắt để sống còn khi phải nhờ vả đến những người bán báo dạo ở miền quê. Rồi họa cũng qua! Hara Kiri vẫn trung thành với đường hướng vượt qua lằn ranh đỏ của thời đó, với quan điểm thể hiện tính hài hước một cách lạnh xương sống đến kinh người. Hình ảnh vẽ những cơ thể trần trụi đang bị cấm khắp nơi? Chẳng cần quan tâm, hình vẽ trào phúng của nguyệt san này không cần biết đến điều đó. Rồi năm 1966, lại một lần nữa báo bị đình bản và lần này là tám tháng.
Đến tháng 2-1969, độc giả đã thấy xuất hiện thêm một phụ trương ra hằng tuần mang tên Hara Kiri Hebdo nhưng lần này là thiên hẳn về đề tài chính trị nhiều hơn. Tháng 11-1970, số phát hành của phụ trương này đã gây ra một đợt tranh cãi lớn, khi chạy tít trang nhất như sau: “Buổi khiêu vũ bi thảm tại Colombey, một người chết” và nói vậy trong thời điểm nước Pháp lúc đó đang để tang tướng de Gaulle. Dòng tít này nhắc nhớ đến trận hỏa hoạn trong một vũ trường xảy ra trước đó 10 ngày và đã làm 146 người chết, song dòng tít này cũng bị cho là đã “phạm thượng” trong bối cảnh tang lễ tướng de Gaulle.
“Tự do biểu đạt.”
Charlie Hebdo bước tiếp con đường Hara Kiri
Hậu quả là theo lệnh của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Raymond Marcellin, Hara Kiri lại một lần nữa bị cấm phát hành. Nhưng có chăng trong cái rủi có cái may cho tờ báo? Lệnh cấm này vô tình đã giúp Hara Kiri được công chúng biết đến và được để ý nhiều hơn. Và tờ báo cũng đã chọn cho mình một cái tên mới để lách lệnh: Charlie Hebdo. Trong tình cảnh đang khốn đốn, tên báo mới này đã quyết tâm trở thành một biểu tượng đi đầu để cụ thể hóa khái niệm tự do biểu đạt, tự do sáng tạo và đã nhận được sự ủng hộ của các nhân vật có tiếng như nhà văn Jean-Paul Sartre, Giám đốc tòa báo Le Monde - Jacques Fauvet.
Trong thập niên 1970, Charlie Hebdo nổi lên thành một hiện tượng hiển nhiên trong làng báo Pháp. Trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1974, mỗi tuần báo bán được khoảng 150.000 bản. Song giây phút vinh quang chóng lụi tàn do thiếu hụt tài chính. Charlie Hebdo đã phải đóng cửa vào năm 1981 sau khi ủng hộ ứng viên Coluche tranh ghế tổng thống Pháp. Dẹp tiệm. Và chỉ còn biết than thở!
Sau 10 năm im lặng…
Tuy nhiên, đến năm 1992, tờ báo đã sống lại từ đống tro tàn, với đội ngũ làm báo cũ của 10 năm trước và với sự giúp đỡ tài chính của ca sĩ Renaud. Tuần báo Charlie Hebdo đã nhanh chóng tìm lại được sự quan tâm của độc giả, với số phát hành 140.000 mỗi kỳ, với sự lèo lái của vị tổng biên tập mới là Philippe Val.
Nhũn nhặn thế cũng sống được, mà đáng lẽ ra dòng đời đã có thể êm ả với đội ngũ làm báo, song vào tháng 2-2006, Charlie Hebdo lại quyết định cho đăng lại các ảnh biếm họa về đấng tiên tri Mohammed từ tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten đã đăng tải trước đó, vốn đã gây nên làn sóng giận dữ tại nhiều quốc gia có cộng đồng Hồi giáo. Thế là bỗng dưng Charlie Hebdo lại chuốc họa vào thân. Số báo đó dù đã hai lần được biên tập lại cũng đã bị rút khỏi các sạp. Sau khi bị cộng đồng Hồi giáo tại Pháp và trên thế giới kiện ra tòa, cuối cùng Charlie Hebdo được xử thắng kiện.
Chấp nhận cái chết báo trước
Charlie Hebdo gặp khó khăn nhưng không quy phục, tờ báo vẫn trung thành với đường lối trào phúng mang màu sắc Charlie của mình. Trụ sở của Charlie Hebdo bị phóng hỏa trong đêm ngày 1 rạng sáng 2-11-2011. Nguyên nhân cũng do chính trang bìa của báo đã lại gây ra chuyện lại đề cập đến đấng tiên tri Mohammed. Ban biên tập báo sững sờ và trụ sở phải sang tạm lánh nạn bên trong tòa báo Libération.
Giám đốc tờ báo, với bút danh là Charb, đã vẽ bức biếm họa sau cùng của mình trong số báo mới nhất Charlie Hebdo ra ngày 7-1, trong đó độc giả thấy một chiến binh Hồi giáo đáp lại câu nói: “Không bao giờ có tấn công khủng bố tại Pháp” bằng câu: “Khoan đã. Chúng ta còn có đến cuối tháng 1 để gửi lời chúc mừng”. Bức biếm họa ngày 7-1 đã báo trước một điềm gở chết người.