Châu Âu áp thuế 0%: Gạo, thanh long… Việt hưởng lợi

Nông thủy sản là ngành có nhiều mặt hàng hưởng lợi ngay lập tức khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) lâu nay nổi tiếng với hệ thống rào cản kỹ thuật làm “nản lòng” không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nước ngoài có mong muốn chiếm lĩnh thị trường.

Gạo ngon Việt sẽ lên kệ siêu thị châu Âu nhiều hơn

Gạo thơm Việt Nam (VN) là một trong những mặt hàng được châu Âu tiêu thụ trong những năm qua. Tuy vậy, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết số lượng bán sang thị trường này lại không nhiều, chỉ chiếm vài % trên tổng sản lượng gạo xuất khẩu của công ty.

Nguyên nhân được ông Bình chỉ ra là do mặt hàng gạo từ VN phải chịu thuế nhập khẩu khá cao 5%-45%. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo VN lên tới 100% hoặc cao hơn.

Ví dụ, nhiều loại gạo thơm thuộc dòng ST20, ST25 vừa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới bán vào thị trường EU với giá 700 USD/tấn nhưng chịu thuế nhập khẩu 45%. Chính vì vậy, giá bán bị đội lên hơn 1.000 USD/tấn. Riêng một số nước áp thuế 100% thì giá gạo thơm lên tới 1.400 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Campuchia được miễn thuế nhập khẩu vào EU nên gạo Việt không có cửa cạnh tranh.

Vì thế, khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất bằng 0%, nếu VN tận dụng tốt xuất khẩu được hết hạn ngạch 80.000 tấn mà EU cấp thì kim ngạch xuất khẩu có thể tăng gấp bốn lần so với hiện nay. Quan trọng nhất là gạo Việt sẽ có giá cạnh tranh so với các đối thủ khác như Campuchia, Thái Lan.

“Tôi cho rằng với danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, gạo ST24, ST25 sẽ có cơ hội giới thiệu và xuất khẩu tốt sang thị trường này với giá cao. Công ty tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu để xuất khẩu loại gạo này” - ông Bình chia sẻ.

Muốn bán vào EU, sản phẩm rau quả, thủy sản Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn. Ảnh: QUANG HUY

Trái cây bớt lận đận

Không chỉ gạo được chắp cánh mà khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản khác cũng hưởng lợi. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho hay đã có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây như bưởi, dừa, thanh long, chanh dây… sang EU vì được người tiêu dùng tại đây ưa chuộng.

Hiện EU là thị trường xuất khẩu đứng thứ tư của rau quả VN, sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Khi EVFTA có hiệu lực, việc miễn giảm thuế nhập khẩu vào thị trường EU sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây VN so với các nước khác.

“Sản lượng trái cây xuất khẩu sang EU của công ty hiện mới chiếm khoảng 10% trong tổng lượng trái cây xuất khẩu của công ty. Nhưng năm nay và những năm sau, EU sẽ là thị trường mà công ty ưu tiên tập trung xuất khẩu” - ông Tùng nói. Một số công ty xuất khẩu trái cây khác cũng cho biết tương tự.

Giúp thủy hải sản tăng sức cạnh tranh

Nhiều chuyên gia nhận định thủy sản là một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Bởi EU đang là thị trường thủy sản quan trọng hàng đầu của nước ta khi chiếm 23%-25% tổng lượng xuất khẩu hằng năm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), phân tích: Mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU hiện nay trung bình là 14%. Trong đó, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%. Nhưng khi hiệp định có hiệu lực sẽ có khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản, sẽ giảm về 0%; số còn lại có lộ trình cắt giảm 3-7 năm.

Đặc biệt, một số mặt hàng như cá ngừ đóng hộp và surimi, EU dành cho VN hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Như vậy, khi hiệp định đi vào thực thi là lực đẩy rất lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của VN vào thị trường EU.

“Đặc biệt, mặt hàng tôm khả quan hơn bởi thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo. Vì vậy, hiệp định được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu VN vươn lên cạnh tranh với Ấn Độ” - ông Hòe nhận định.

Một doanh nghiệp vi phạm, cả ngành bị vạ lây

Thuận lợi, cơ hội là vậy nhưng nhiều DN VN vẫn e ngại thị trường EU. Hàng rào kỹ thuật, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe nên các nhà kinh doanh xếp EU vào thị trường khó tính nhất thế giới.

Đại diện Hiệp hội Rau quả VN cho biết rau quả nào cũng có thể xuất sang EU nhưng quan trọng là phải bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thậm chí gần như không có. DN nào vi phạm sẽ bị trả hàng về. Sau đó, không chỉ DN đó mà cả ngành rau quả xuất khẩu của VN bị ảnh hưởng.

“Các lô hàng rau quả từ VN sẽ bị kiểm tra chặt, có thể 10 lô kiểm tới 5-7 lô, có khi kiểm từng lô hàng. Nếu tiếp tục có nhiều lô hàng vi phạm vượt ngưỡng dư lượng thì EU có thể tạm ngưng nhập khẩu” - đại diệp Hiệp hội Rau quả VN dẫn chứng.

Hạt gạo cũng tương tự. Tổng giám đốc Công ty Trung An - ông Phạm Thái Bình cho rằng muốn bán được cho EU thì quan trọng nhất là chất lượng, thứ hai là truy xuất nguồn gốc. Muốn làm được điều này, DN phải xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế GlobalG.A.P.

Một nhược điểm của xuất khẩu nông sản VN tồn tại nhiều năm được ông Bình chỉ ra là tình trạng tranh mua, tranh bán, phá giá. Vì vậy rất cần vai trò của hiệp hội, cơ quan quản lý ngành hàng. “Gạo thơm của Thái Lan bán sang EU với giá cao vì họ quản lý tốt hoạt động xuất khẩu, tạo được uy tín” - ông Bình nhấn mạnh.

Muốn tôm, cá sang EU phải xóa được thẻ vàng

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho rằng: Cái lợi từ EVFTA không chỉ là thuế quan giảm mà còn là việc nó giúp VN cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bằng chứng là thủy sản VN đang bị EU phạt “thẻ vàng”, đồng nghĩa mặt hàng này nhập vào EU bị kiểm tra gần 100% từng lô hàng. Nếu không khắc phục được các yêu cầu liên quan đến tàu đánh bắt bất hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, quản lý nguyên liệu thủy sản nhập khẩu… thì có thể sẽ bị EU phạt “thẻ đỏ”, đồng nghĩa hết đường xuất sang thị trường này.

Vì vậy, theo ông Lĩnh, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, VN phải gỡ bỏ được thẻ vàng. Bên cạnh đó, bắt buộc các DN xuất khẩu phải xây dựng được chuỗi giá trị, nhất là trong khai thác hải sản. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới