Khoảng 5 giờ ngày 2-10, rạp Công Nhân (đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) cũng là trụ sở làm việc của Nhà hát kịch TP.HCM, đã xảy ra một vụ hỏa hoạn. Ngọn lửa xuất phát tại phòng điều chỉnh âm thanh của rạp Công Nhân sau đó lan ra ngoài. Lực lượng phòng cháy chữa cháy đã có mặt nhanh chóng khi được báo và khống chế được ngọn lửa; tuy nhiên ngọn lửa đã khiến cho một mảng trần của rạp Công Nhân sập và cháy lan ra một phần pano ngoài nhà hát.
Trưa 4-10, cửa ra vào rạp Công Nhân vẫn niêm phong
Vụ cháy đã khiến liveshow của nghệ sĩ Vương Hoài Phong dự kiến diễn tối 3-10 tại rạp Công Nhân bị huỷ. Nghệ sĩ này đã tiến hành hoàn tiền trả vé cho những khán giả đã mua vé.
Trưa 4-10, phóng viên PLO đã có mặt tại rạp Công Nhân và chứng kiến cửa rạp Công Nhân đã bị dán niêm phong của lực lượng chức năng. Ban giám đốc của Nhà hát Kịch TP.HCM ngồi ngoài sảnh của rạp Công Nhân để làm việc.
Trước cửa rạp Công Nhân vẫn hoạt động bình thường sau vụ cháy.
Trao đổi với phóng viên PLO, ông Trần Anh Kiệt, Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM, cho biết: “Vụ cháy không gây ra thiệt hại gì đáng kể, rạp Công Nhân vẫn có thể sử dụng biểu diễn phục vụ khán giả. Tuy nhiên, hiện phía Công an TP.HCM đã niêm phong rạp để giữ nguyên hiện trường điều tra nguyên nhân vụ cháy. Việc tháo bỏ niêm phong có thể sẽ phải chờ vài ngày nữa, khi phía công an làm việc xong”.
Ông Kiệt cũng cho biết thêm, ngoài liveshow của nghệ sĩ Vương Hoài Phong thuê rạp Công Nhân vào ngày 3-10, Nhà hát Kịch TP.HCM không còn hợp đồng cho thuê rạp nào khác trong thời gian tới để đối tác phải hủy show khi rạp phải tạm ngưng hoạt động do vụ cháy.
Từ nhiều năm qua, khi rạp Hưng Đạo bị phá bỏ để xây mới, rạp Công Nhân là một điểm diễn đắc địa hay được giới nghệ sĩ, bầu show cải lương thuê mướn để biểu diễn. Những bầu show muốn làm những vở kịch riêng, những chương trình riêng của mình cũng thường thuê mướn rạp Công Nhân để diễn. Bởi rạp tuy cũ kỹ nhưng nằm ngay trung tâm quận 1, TP.HCM, có số lượng ghế lý tưởng trên 1.000 ghế, có sân khấu rộng rãi, đúng chuẩn biểu diễn chuyên nghiệp và có giá thuê mướn không quá cao.
Sau khi rạp Hưng Đạo bị phá bỏ để xây mới, rạp Công Nhân trở thành điểm thuê mướn biểu diễn cải lương khá thường xuyên của các nghệ sĩ và bầu show cải lương.
Trước 1975, rạp Công Nhân có tên là rạp Nguyễn Văn Hỏa, được mệnh danh là một rạp “hàng không mẫu hạm” của đất Sài Gòn vì sự hiện đại và quy mô của nó. Nơi đây được xem như một trong những “thánh địa” cải lương Sài Gòn bởi là nơi trụ diễn chủ yếu của đoàn cải lương đại bang Thanh Minh Thanh Nga và phải những đoàn cải lương lớn, hạng A mới đủ tiền thuê mướn rạp này. Từ năm 1970 rạp còn có công năng chiếu phim.
Trước 1975, rạp Công Nhân – Nguyễn Văn Hảo còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa mang tính lịch sử như vở diễn Lấp sông Gianh bị ném lựu đạn khi diễn; nhiều buổi diễn thuyết chính trị…
Hiện rạp Công Nhân đang được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đưa vào diện xem xét xây mới hoặc cải tạo, tuy nhiên xu hướng đang được ủng hộ hiện nay là sẽ trùng tu chứ không xây mới rạp. Mong muốn, nguyện vọng của đông đảo giới nghệ sĩ, giới chuyên môn làm nghề hiện nay cũng là nên trùng tu chứ không xây mới rạp Công Nhân, nhất là khi thực tế xây mới rạp Hưng Đạo khiến giới làm nghề và công chúng quá thất vọng.