Chê người khác xấu, đâu dễ phạt tù!

Trong những ngày qua, nhiều trang mạng xã hội đang chia sẻ và bình luận về câu chuyện người nào chê người khác mập, xấu có thể bị phạt tới 16 triệu đồng, thậm chí nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan và thực tế thì hành vi chê người khác rất khó có cơ sở để xử lý hành chính đối với những trường hợp nêu trên, chứ đừng nói đến là xử lý hình sự.

Không dễ để xử lý hành chính

Tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

Như vậy, có thể thấy ngoài tính mạng, sức khỏe thì danh dự, nhân phẩm của một cá nhân cũng được pháp luật bảo vệ.

TS Nguyễn Văn Tiến, Khoa dân sự, ĐH Luật TP.HCM, cho biết về xử phạt hành chính đối với nhóm hành vi liên quan đến xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt tại Điều 5 Nghị định 167/2013. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

“Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp chê người khác xấu, mập… đều bị coi là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác và bị xử phạt hành chính. Bởi lẽ nói người khác béo, gầy, lùn, thấp nhiều khi là chỉ để nhận xét ngoại hình một người chứ không đến mức nghiêm trọng rồi cho đó là xúc phạm danh dự, nhân phẩm để xử phạt. Kiểu nói đó chỉ có thể được coi là nói sự thật một cách thiếu tế nhị.

Chuyện nhận xét ai đó xấu, mập, lùn, mũi tẹt… cũng có thể đặt trong những bối cảnh, hoàn cảnh khác nhau, tùy vào cách mà mỗi người cảm nhận. Ví dụ, có người cho rằng mập là đẹp, có người thì lại cho rằng mập là xấu. Hay như có người cảm thấy mình bị nói như vậy là bình thường, còn có người thì bị tổn thương…

Chỉ khi nào trong trường hợp người nói có chủ đích chê gầy, béo gắn liền với sự miệt thị, chê bai làm tổn thương người khác trước đám đông, gây hậu quả xấu thì mới có cơ sở để xử phạt.

Chính vì thế, không thể nói rằng chỉ cần có hành vi chê bai người khác là đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ và bị pháp luật xử lý” - TS Tiến nêu ý kiến.

Càng khó xử hình sự

Về xử lý hình sự, nhiều ý kiến cũng cho rằng không dễ để xử lý các hành vi này về tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Luật sư Nguyễn Thành Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng để xử lý hình sự được về tội làm nhục người khác thì cần làm sáng tỏ, đánh giá nhiều vấn đề. Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Hành vi xúc phạm có thể được thể hiện bằng lời nói như sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu… nhằm vào nhân cách, danh dự với tính chất hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy nhục nhã trước người khác.

Hành vi đó cũng có thể được thực hiện bằng hành động khi có những hành vi bỉ ổi (có hoặc không kèm lời nói thô tục) với chính bản thân mình hoặc người bị hại trước đám đông để bêu riếu.

Cùng bị xâm phạm như nhau nhưng có người thấy nhục hoặc rất nhục, có người lại thấy bình thường.

Vì vậy, để xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng thì không hề đơn giản, LS Nam chia sẻ.

Như vậy, có thể thấy câu chuyện chê người khác mập, gầy, xấu khó có thể bị xử phạt hành chính. Và chuyện xử lý hình sự về những hành vi này gần như là rất khó.

Không dễ chứng minh mình bị xúc phạm

Anh Nguyễn Lương Đức (công chức huyện Chư Sê, Gia Lai) cho rằng mặc dù hiện nay pháp luật có các quy định xử phạt về hành vi này nhưng thực tế làm sao để chứng minh được hành vi vi phạm và thực hiện xử phạt người vi phạm lại là vấn đề khác.

Người xưa có câu “lời nói gió bay”, vấn đề là dựa vào đâu để chứng minh đó là những lời lẽ xúc phạm. Chưa kể đến hiện nay không có văn bản nào quy định rằng nói những câu như thế nào thì bị coi là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

Nhìn vào thực tế lâu nay thì hầu như không có trường hợp nào bị xử phạt với mức phạt 100.000-300.000 đồng cho hành vi chê người khác mập, xấu đến mức xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Thực tế cho thấy có một số trường hợp bị xử phạt vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác rõ rệt, có lưu được chứng cứ. Ví dụ, một cá nhân lên mạng tung tin bậy rằng chị chủ quán phở có quan hệ bất chính với bí thư huyện. Việc tung tin này làm ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của chị, quán phở từ đó mà ế đi.

Sở dĩ có thể xử phạt được là vì trong trường hợp này lưu giữ được chứng cứ có trên mạng, chứng minh được danh dự, uy tín bị xúc phạm. Khi đó thì người loan tin sẽ bị xử phạt hành chính 10-20 triệu đồng về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác,theo Nghị định 174/2013 (Nghị định 15/2020 sẽ thay thế vào ngày 15-4 tới). 

Do đó, một câu nói chê ai đó mập, xấu sẽ khó mà bị áp để xử phạt với lỗi xúc phạm người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm