Chốt phiên giao dịch cuối tuần trên thị trường thế giới, giá kim loại quý đứng ở mức 1.792 USD/ounce.
Giá vàng thế giới quy đổi tương đương khoảng 49,2 triệu đồng/lượng. So với mức giá cao nhất đạt được vào cuối tuần trước, hiện giá vàng thế giới đã giảm tới 56 USD/ounce, tương đương “bốc hơi” khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.
Trong tuần giá vàng thế giới có tới ba phiên điều chỉnh giảm, và hai phiên đi ngang.
Trái ngược với đà đi xuống của kim loại quý trên thị trường thế giới, giá vàng miếng SJC lại bất ngờ được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng.
Cụ thể, mức giá cao nhất trong tuần qua đối với vàng miếng được giao dịch quanh mức 60,25 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 60,05 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Sang đến phiên cuối tuần có giảm nhẹ song cả giá mua vào lẫn bán ra đều duy trì vững ở trên vùng 60 triệu đồng/lượng.
Hiện giá mua vào được niêm yết phổ biến ở mức 60,1 triệu đồng/lượng và bán ra ở quanh ngưỡng 60,85 triệu đồng/lượng.
Diễn biến trái chiều này đã khiến chênh lệch giá vàng SJC và thế giới bật lên 11,6 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước tới nay.
Tính từ đầu tháng 11 đến nay, quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã liên tiếp mua ròng, với khối lượng lên đến 15,7 tấn. Nâng khối lượng vàng dự trữ của quỹ này lên 991,11 tấn vàng.
Theo khảo sát của Kitco News về xu hướng giá vàng trong tuần tới, các nhà đầu tư vàng nên chuẩn bị cho sự biến động mạnh của thị trường vàng do tâm lý vô cùng trái chiều giữa các nhà phân tích Phố Wall.
Trong khi đó, tại cuộc khảo sát trực tuyến ở Main Street, số nhà đầu tư tham gia trả lời đạt mức cao nhất kể từ tháng 6-2021 đến nay, với 1.527 người. Trong đó tới 67% tin rằng giá vàng sẽ tăng, chỉ 20% số phiếu nhận định giá vàng giảm và 13% dự đoán giá vàng đi ngang trong tuần tới.