Lãnh đạo Hà Nội hy vọng đây là một trong những động thái giúp đưa khách du lịch và nhà đầu tư đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Không chỉ riêng Hà Nội, ở tầm quốc gia chúng ta cũng đã có nhiều đề án, chương trình để quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông nổi tiếng của thế giới. Dĩ nhiên đi cùng với đó là một khoản kinh phí không hề nhỏ.
Ở trong nước cũng đã có rất nhiều hội thảo, tọa đàm để bàn cách gỡ khó cho du lịch Việt, một nền du lịch vẫn luôn luôn được gắn với hai chữ tiềm năng. Còn nhớ tại hội thảo phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới diễn ra hồi năm ngoái, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi: Tại sao du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng vẫn thua kém Thái Lan?
Rất nhiều đại biểu đã trả lời cho câu hỏi này bằng việc đưa ra những thực tế đáng buồn về du lịch Việt. Phổ biến nhất vẫn là nạn “chặt chém”, chèo kéo, móc túi du khách. Tiếp đến là một nền du lịch thiếu quy hoạch, thiếu gắn kết giữa các địa phương với nhau.
Cũng tại hội thảo đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, đã rất say sưa khi nói về sự phát triển của cơ sở vật chất. Cụ thể như đã có bao nhiêu điểm nghĩ dưỡng sang trọng, bao nhiêu phòng chất lượng cao… Thế nhưng thay vì hoan hỉ bởi những con số ấy, bà Tôn Nữ Thị Ninh lại đặt ra một câu hỏi: Xây nhiều khách sạn nhưng du khách có vào? Và vào rồi, du khách có xài nhiều tiền trên lãnh thổ Việt Nam hay không?
Câu hỏi của bà Ninh đặt trong bối cảnh Hà Nội chi 2 triệu USD cho chiến lược quảng bá của du lịch Hà Nội cũng có thể thấy sự liên quan. Việc quảng cáo, đưa hình ảnh địa danh, con người và văn hóa của một địa phương luôn luôn là một điều nên làm và không hề có giới hạn.
Tuy nhiên, tất cả điều đó sẽ trở nên kém hiệu quả khi ngay tại thành phố những hình ảnh xấu xí về du lịch vẫn hằng ngày diễn ra. Không khó để dạo bước một vòng Hà Nội, nhất là trong phố cổ người ta có thể bắt gặp cảnh những người bán hàng rong chèo kéo khách hay những chiếc ghế đá công cộng bị công khai chiếm dụng.
Dạo trước, cộng đồng mạng từng râm ran về một clip ghi lại cảnh những vị khách nước ngoài bị “chặt chém” ở phố cổ, một nạn nhân còn gọi đó là “một trải nghiệm tồi tệ”.
Chi tiền cho quảng cáo, tuy nhiên nếu không tích cực làm thay đổi hình ảnh của du lịch Hà Nội bằng việc dẹp bỏ những “trải nghiệm tồi tệ” thì địa phương này cũng rất dễ vướng vào nỗi lo của du lịch Việt: Khách du lịch một đi không trở lại.
Du lịch không chỉ là nói tốt về mình mà còn phải chứng minh mình thật sự tốt và đáng đến bằng những trải nghiệm thực tế. Trải nghiệm thực tế đó không phải là những quán bún chửi phở mắng mà nhiều người còn cho rằng đó là “nét văn hóa Hà Nội”.