Chỉ thu hồi đất ở khi đã bàn giao nhà tái định cư

(PLO)- Việc cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý và sửa đổi quy định về tái định cư cho thấy Nhà nước quyết tâm đưa việc an cư của người dân lên hàng đầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, sau khi kết thúc việc lấy ý kiến toàn dân, Bộ TN&MT đã có tờ trình về việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân và việc tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến của nhân dân, cơ quan soạn thảo đã có nhiều chỉnh lý về nội dung trong dự thảo luật mới.

Đáng chú ý là việc cơ quan soạn thảo đã quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư và người có đất bị thu hồi được bàn giao nhà ở tái định cư. Đồng thời bổ sung nguyên tắc không được cưỡng chế thu hồi đất nếu chưa bố trí tái định cư hoặc bố trí tạm cư cho người có đất bị thu hồi.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM:

Việc an cư của người dân được đưa lên hàng đầu

Hiện nay, chương 6 của Luật Đất đai 2013 là chương “Thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Như vậy, tên chương cũng phần nào cho thấy việc tái định cư xếp sau việc thu hồi đất, tức thu hồi đất xong mới thực hiện việc tái định cư.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này quy định tách ra làm hai chương, chương 6 “thu hồi đất, trưng dụng đất” và chương 7 “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. Đồng thời sau khi nhận được nhiều góp ý, cơ quan soạn thảo đã quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư. Như vậy, dự thảo mới đã có sự khác biệt rõ rệt so với luật hiện hành là việc tái định cư phải thực hiện trước rồi mới thu hồi đất. Đây là quy trình “ngược” so với luật hiện hành nhưng là thay đổi tất yếu để phù hợp với thực tiễn.

Việc sắp xếp chỗ ở tái định cư cho dân trước khi thu hồi đất giúp họ ổn định chỗ ở, nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới cũng như sắp xếp lại công việc.

Nhiều năm qua, việc người dân phải “ra khỏi nhà” khi chưa có nhà ở mới, thậm chí là rất nhiều trường hợp chưa nhận được tiền bồi thường gây nên nhiều bức xúc. Có cảm giác như người dân bị ép và Nhà nước chỉ bảo vệ chủ đầu tư. Đứng dưới góc độ của người dân, họ đang có nhà có đất, có nơi sinh sống ổn định nhưng vì nhu cầu thu hồi đất nên buộc phải di dời đến chỗ khác. Nếu việc thực hiện tái định cư được thực hiện sau khi thu hồi đất sẽ gây nên rất nhiều khó khăn cho người dân. Đầu tiên là khó khăn cho họ trong việc buộc phải tìm kiếm chỗ ở mới, nhiều trường hợp số tiền bồi thường họ nhận được không đủ để mua một nơi ở mới.

Cạnh đó, việc bị thu hồi đất còn làm xáo trộn cả cuộc sống của họ. Trên thực tế, những nơi bị thu hồi đất thường nằm ở những đô thị sầm uất, nơi làm ăn kinh doanh rất thuận lợi. Có những nhà dân nằm ở ngã ba, ngã tư hay ở nơi đông người qua lại, trường học, khu vui chơi... Đây không chỉ là nơi ở mà còn là nơi buôn bán, mưu sinh của họ. Vì vậy, việc buộc phải di dời khi chưa được tái định cư không chỉ khiến họ chưa có nơi ở mới mà còn mất đi cả “nồi cơm”. Đó là chưa kể khi thay đổi nơi ở mới nó còn là quyền lợi của các thành viên gia đình như môi trường mới, việc học hành, đi lại... hay là nơi gắn liền với những thói quen, kỷ niệm của họ.

Do đó, việc sắp xếp chỗ ở tái định cư cho dân trước khi thu hồi đất giúp họ ổn định chỗ ở, nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới cũng như sắp xếp lại công việc.

Một chung cư tái định cư phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: NN

Một chung cư tái định cư phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: NN

Ngoài ra, dự thảo trước đó đã quy định một trong những nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là việc bồi thường phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Dự thảo lần này theo hướng quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư và người có đất bị thu hồi được bàn giao nhà ở tái định cư là tiếp nối nguyên tắc trên, đây cũng là đảm bảo để người dân có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nó cho thấy Nhà nước đã đặt quyền lợi của người dân lên trước mục đích của Nhà nước khi thu hồi đất hay lợi ích của chủ đầu tư.

Về vấn đề cưỡng chế thu hồi đất, dự thảo mới cũng bổ sung nguyên tắc không được cưỡng chế thu hồi đất nếu chưa bố trí tái định cư hoặc bố trí tạm cư cho người dân. Điều này cho thấy Nhà nước quyết tâm đưa việc an cư của người dân lên hàng đầu. Đảm bảo quyền có chỗ ở của mọi công dân là đúng với tinh thần của hiến pháp, nó còn giúp giảm tình trạng kiện tụng vì vấn đề bồi thường khi thu hồi đất luôn là căn nguyên phát sinh các tranh chấp đất đai.

PGS-TS VŨ THỊ HỒNG YẾN, Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Sài Gòn:

Củng cố niềm tin của người dân

Việc cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến và đưa vào dự thảo luật mới đã chỉ rõ thêm hai điều kiện tiên quyết của thu hồi đất. Đó là phải hoàn thành bố trí tái định cư và người có đất bị thu hồi được bàn giao nhà ở tái định cư.

Việc sửa đổi này khiến cho chủ đầu tư dự án phải có những bước chuẩn bị quan trọng, đó là chủ đầu tư phải có nguồn lực tài chính đủ để hoàn thành bố trí tái định cư cũng phải có phương án để bàn giao xong nhà ở tái định cư. Theo đó, lợi ích của người bị thu hồi đất phải được đảm bảo trước tiên và phải được thực hiện trên thực tế rồi thì Nhà nước mới được thực hiện thu hồi đất. Một quy trình thu hồi đất đảo ngược so với trước đây.

Ngoài ra, việc bổ sung nguyên tắc “không được cưỡng chế thu hồi đất nếu chưa bố trí tái định cư hoặc bố trí tạm cư cho người có đất bị thu hồi” tại điểm d khoản 1 Điều 84 dự thảo đã đảm bảo sự nhất quán trong quan điểm, chính sách của Nhà nước về bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trên cơ sở xuất phát từ quyền về chỗ ở là quyền hiến định của công dân theo Hiến pháp năm 2013. Nó còn đảm bảo thực hiện nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất (quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)) đó là việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Tôi cho rằng việc sửa đổi này còn củng cố hơn nữa niềm tin của người dân vào chính sách pháp luật đất đai của Nhà nước; tránh, giảm bớt những khiếu kiện, tranh chấp của người dân liên quan đến việc thu hồi đất như trước kia.•

Cần cụ thể thời gian hoàn thành khu tái định cư

Tại tờ trình ngày 4-4-2023 của Bộ TN&MT cho biết có ý kiến đề nghị cần quy định việc thu hồi đất ở chỉ thực hiện sau khi hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quy định cụ thể thời gian hoàn thành khu tái định cư, việc bố trí tái định cư phải hoàn thành trước khi quyết định thu hồi đất. Đề nghị cân nhắc nội dung nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, vì rất khó đánh giá, lượng hóa.

Tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo cho biết đã hoàn thiện nội dung quy định tại điều này theo hướng: Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi; khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án tái định cư để đảm bảo chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi; đồng thời việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đã rà soát, quy định trong dự thảo luật mới trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan ở từng bước công việc; quy định về việc phối hợp giữa UBND cấp xã và đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm