Góp ý sửa đổi luật đất đai

Sửa đổi Luật Đất đai: Nhận diện nhiều bất cập về thu hồi đất, tái định cư

(PLO)- Thực tế triển khai nhiều dự án, chủ đầu tư không thể thu hồi đất vì vướng tái định cư cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-2, làm việc tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đã nghe báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cùng nhiều đơn vị khác về tình hình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Nhiều vấn đề bất cập trong Luật Đất đai được nêu ra, nổi lên trong số đó là việc giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân.

Khó thực hiện bố trí TĐC trước khi thu hồi

Theo ông Trần Văn Bảy (Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), một trong những vấn đề được người dân TP.HCM đặc biệt quan tâm là thu hồi đất và bố trí nơi TĐC cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết sẽ ghi nhận và tiếp thu những ý kiến mà các đơn vị tại TP.HCM kiến nghị, đề xuất. Ảnh: MẠNH TÔN

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết sẽ ghi nhận và tiếp thu những ý kiến mà các đơn vị tại TP.HCM kiến nghị, đề xuất. Ảnh: MẠNH TÔN

Theo đó, pháp luật hiện nay quy định việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xong bố trí TĐC cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế điều này rất khó thực hiện và không khả thi.

Bởi vì hiện nay, quỹ đất không còn nhiều, muốn có quỹ đất để làm chỗ TĐC thì lại phải đi thu hồi đất hoặc dành một phần đất làm dự án để bố trí TĐC và để làm được thì vẫn phải đi thu hồi trước. Do vậy, trên thực tế một số dự án khi triển khai không thể thực hiện thu hồi được vì chưa bố trí được nơi ở TĐC cho người dân.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, để triển khai xây dựng một dự án TĐC hiện nay là không dễ và rất mất thời gian vì liên quan đến Luật Đầu tư công. Ngoài ra còn liên quan đến vấn đề xác định giá đất dẫn đến việc bố trí TĐC cho người dân bị kéo dài, ảnh hưởng đến việc thu hồi đất để làm dự án.

Cũng theo ông Thảo, Luật Đất đai quy định nguyên tắc bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân là phải bằng hoặc tốt hơn nhưng thực tế, việc này rất khó thực hiện. Ví dụ, khi thực hiện bồi thường cho người dân, nếu giá đất trên thị trường tăng lên thì người dân lại cho rằng mức bồi thường là quá thấp (không tốt hơn), từ đó phát sinh khiếu nại kéo dài vì cho rằng vi phạm nguyên tắc.

Còn để xác định nơi ở mới (khu TĐC) tốt hơn cũng rất khó vì trên thực tế TP.HCM cũng đã xây dựng rất nhiều khu TĐC, khu chung cư. Thế nhưng người dân lại không về đây sinh sống vì cho rằng mức bồi thường, nơi ở mới thấp hơn cái mà họ đang có khi chưa thực hiện dự án.

Về giá bồi thường khi thực hiện dự án, phó giám đốc Sở TN&MT cho biết người dân mong muốn khi thu hồi đất được bồi thường một mức giá hợp lý và sát với giá trị trường để sau khi nhận được tiền bồi thường thì có thể chủ động được nơi ở mới.

Ông Bảy cũng lấy một ví dụ về tính giá bồi thường là thời gian vừa qua, dự án đường vành đai 3, ở gói số 1, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 30 ha rất nhanh, người dân rất phấn khởi. Mấu chốt nằm ở chỗ tính giá bồi thường hợp lý cho người dân.

Hiện quỹ đất không còn nhiều, muốn có đất làm chỗ TĐC thì lại phải đi thu hồi đất hoặc thậm chí dành một phần đất làm dự án để bố trí TĐC và để làm được thì vẫn phải đi thu hồi trước.

Xác định rõ nội hàm tranh chấp đất đai

Liên quan đến vấn đề xác định cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai, ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM, cho biết khoản 3 Điều 50 dự thảo quy định tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tuy nhiên, định nghĩa về tranh chấp đất đai trong dự thảo lần này vẫn chưa làm rõ nội hàm thế nào là tranh chấp đất đai.

Trong khi đó, theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017 của TAND Tối cao thì có nhiều tranh chấp về đất đai có thể kể đến như tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất (QSDĐ); tranh chấp về giao dịch liên quan đến QSDĐ; tranh chấp về thừa kế QSDĐ, chia tài sản chung của vợ chồng là QSDĐ.

Mỗi một loại tranh chấp như vậy thì thủ tục giải quyết lại khác nhau. Ví dụ như đối với tranh chấp ai là người có QSDĐ thì phải đáp ứng thủ tục tiền tố tụng (hòa giải tại địa phương không thành) thì mới đủ điều kiện khởi kiện ra tòa án.

Do đó, muốn xác định cơ quan nào giải quyết tranh chấp đất đai thì cần phải xác định rõ nội hàm của tranh chấp đất đai là gì. Từ đó mới xác định tòa án hay UBND các cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Ông Hải cũng nêu một bất cập tiếp theo trong Luật Đất đai 2013 là thành phần hòa giải tranh chấp đất đai quy định trong buổi hòa giải phải có mặt của đại diện Ủy ban MTTQ, những người sống lâu năm, những người có uy tín tại địa phương.

Vấn đề đặt ra là những người có uy tín tại địa phương là những ai. Những người này có thể có uy tín ở một lĩnh vực nhưng trong đất đai có uy tín hay không. Hay như những người sống lâu năm tại địa phương khi tham gia các buổi hòa giải tranh chấp đất đai thì lại rất ít khi tham dự vì sợ mất tình làng nghĩa xóm.

Do đó, việc bắt buộc phải có những người sống lâu năm, người có uy tín trong buổi hòa giải tranh chấp là không khả thi mà đề xuất chỉ nên có các thành phần cứng như UBND, Ủy ban MTTQ và các đơn vị chức năng liên quan.

Kiến nghị xem xét nhiều vấn đề

Thứ nhất là kiến nghị Quốc hội, các cơ quan xem xét để quyền lợi của người dân trong các khu vực bị quy hoạch được đảm bảo, hài hòa (cả quy hoạch hạ tầng và quy hoạch các dự án phát triển kinh tế), tránh gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Thứ hai là kiến nghị nghiên cứu xem xét sửa đổi Luật Đất đai về vấn đề bồi thường TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, làm sao để khi triển khai áp dụng và triển khai dự án, người dân được bố trí TĐC được ngay. Giá đất khi tiến hành bồi thường cũng được xác định hợp lý, tiệm cận với giá thị trường.

Tiếp theo là kiến nghị giải quyết về vấn đề chồng chéo các quy định của các luật liên quan với Luật Đất đai khi làm dự thảo. Nếu để xảy ra sự chồng chéo đến khi thi hành trên thực tế cả cơ quan nhà nước, các địa phương sẽ rất khó thực hiện.

VĂN THỊ BẠCH TUYẾT,

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm