Sáng 23-6, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), phiên thứ hai của Hội nghị giám đốc Sở GD&ĐT năm 2022 tiếp tục diễn ra với nội dung đánh giá công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khó trong tuyển dụng giáo viên
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng, đã đề cập đến khó khăn của tỉnh trong việc tuyển dụng giáo viên (GV) cho chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo ông Dương, tỉ lệ GV đối với các cấp học còn thấp, tình trạng thiếu GV vẫn còn tồn tại. “Việc tuyển dụng GV của tỉnh gặp khó như các tỉnh khác. Đợt vừa rồi, chỉ tiêu GV hơn 600 nhưng thực tế chỉ tuyển được 319 do thiếu nguồn. Ngoài GV tin học, ngoại ngữ, GV cấp tiểu học cũng khó tuyển. Số lượng GV cao đẳng của cấp tiểu học khá nhiều nhưng các em chưa kịp học để có bằng đại học, tham gia tuyển dụng” - ông Dương nói.
Các sở GD&ĐT mong được tháo gỡ việc mua sắm trang thiết bị dạy học để nhà trường, học sinh không phải chịu cảnh học chay, dạy chay. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Trước khó khăn trên, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng đề xuất Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư hướng dẫn khung vị trí việc làm và định hướng một số chức danh làm việc tại cơ sở giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với từng vùng miền, làm căn cứ pháp lý để các tỉnh có hướng sắp xếp. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để GV các cấp đi học văn bằng 2. Mặt khác, để đảm bảo đội ngũ GV thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đề nghị bộ giao chỉ tiêu cho một số trường đại học đào tạo theo kiểu vừa làm vừa học cho GV tiểu học, THCS, THPT. Chỉ đạo các trường sư phạm mở thêm ba ngành đào tạo GV hai môn phục vụ cho dạy học cấp học THCS.
Lúng túng đề xuất kinh phí mua thiết bị dạy học
Bà Phạm Thị Hồng Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ điều lo lắng nhất chính là việc HĐND tỉnh sẽ họp vào tháng 7 tới và cho chủ trương cấp kinh phí cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, đến thời điểm này sở vẫn đang rất lúng túng, không biết làm thế nào vì vẫn đang phải chờ Bộ Tài chính đưa các danh mục trang thiết bị giáo dục tối thiểu vào danh mục giá… Trong khi đó, giá cả các mặt hàng đều tăng cao, nhiều đơn vị tư vấn không dám nhận gói thiết bị giáo dục. Các giám đốc sở rất áp lực. Nếu không thực hiện, GV, học sinh sẽ phải học “chay”. Do đó rất cần Bộ GD&ĐT có hướng dẫn và tháo gỡ.
Một vấn đề khác được bà Hải đề cập tại hội nghị chính là việc thực hiện tài liệu giáo dục địa phương. “Tôi có tham gia nhưng rất khó viết. Bởi các tài liệu đều mang tính truyền thuyết, không có minh chứng, số liệu không chắc chắn. Do đó nếu đưa vào tài liệu dạy học rất băn khoăn” - bà Hải nói thêm.
Bà Hải cho biết tại Hội nghị giám đốc Sở GD&ĐT, TP.HCM có chia sẻ tài liệu địa phương của TP được UBND TP chủ trì, chỉ định soạn thảo và sẽ bỏ tiền ra để in, phát cho học sinh. Lâm Đồng không thể thực hiện như thế. “Chúng tôi đã làm văn bản xin in để phát cho học sinh nhưng Sở Tài chính không đồng ý vì phải xã hội hóa. Nếu vậy khi in ra sẽ phải thẩm định giá, rất phức tạp. Trong khi đó, có tỉnh chào hàng giá cạnh tranh, có tỉnh chỉ định thầu” - bà Hải chia sẻ thêm.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, lại đề cập đến vấn đề tự chủ trong giáo dục. Ông Thành cho biết Nghị định 81 của Chính phủ quy định thu học phí theo ba mức, tùy từng vùng, thấp nhất 50.000-100.000 đồng, 100.000-200.000 đồng, 300.000-650.000 đồng. Thực tế, với mức học phí 650.000 đồng/tháng các trường khó có thể thực hiện tự chủ, bậc tiểu học không thể thực hiện tự chủ vì phổ cập giáo dục nên được miễn học phí. Điều này chỉ có thể thực hiện ở bậc mầm non và giáo dục trung học. Về mặt pháp lý, Chính phủ nên đề nghị Quốc hội có một nghị quyết về thí điểm tự chủ trong giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
“Bên cạnh việc đảm bảo học hành cho con em, sở cũng đã xây dựng một số trường theo mô hình tiên tiến hội nhập với mức thu 2,2-3 triệu đồng/tháng. Với mức học phí như trên, các trường mới có thể thực hiện mô hình, thực hiện chương trình, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu, chuẩn đầu ra tiên tiến” - ông Thành nói thêm.
Nghẽn trong kê khai giá: Mong địa phương chia sẻ!
Việc thiếu GV để thực hiện chương trình mới là có, vì vậy để nhanh chóng giải quyết vấn đề trên, các địa phương cần tạo điều kiện đi học văn bằng 2 hoặc học hai môn cho GV đủ điều kiện để nhanh chóng có nguồn lực bổ sung cho chương trình.
Thừa nhận điểm nghẽn trong việc chuẩn bị trang thiết bị phục vụ học tập đang nằm ở việc kê khai giá, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết hiện Cục Cơ sở vật chất và Bộ GD&ĐT cũng mong muốn hơn lúc nào hết nhưng vì không thuộc thẩm quyền của bộ nên mong các địa phương chia sẻ, vì thiết bị giáo dục không thuộc danh mục cấp bách như trang thiết bị của ngành y tế.