Chỉ tình yêu thôi chưa đủ?

Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Tư vấn, giáo dục tâm lý, thể chất TP.HCM về tình trạng ly hôn của thanh niên cho thấy, có đến 39,5% ly hôn vì bất đồng trong suy nghĩ, quan điểm, khác biệt về tính cách. Tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng dưới 30 tuổi năm sau luôn luôn cao hơn năm trước. Hầu hết các chuyên viên tâm lý khi được hỏi đều có chung một trăn trở: "Nguyên nhân chính gây đổ vỡ của hầu hết các cặp vợ chồng trẻ là do họ không được trang bị những kiến thức cơ bản trước khi bước vào đời sống hôn nhân".

Thực tế các phiên tòa xử ly hôn trong những năm gần đây cũng cho thấy, không ít cuộc hôn nhân của các gia đình trẻ tan vỡ vì những lý do: chồng không lãng mạn như thời còn yêu nhau, vợ không hiểu tâm lý chồng, mâu thuẫn trong quản lý chi tiêu ngân sách gia đình, thậm chí có vụ ly hôn mà mâu thuẫn chỉ bắt đầu từ việc hai vợ chồng tỵ nạnh nhau chuyện đưa đón con cái, cơm nước...

Mới đây, nhân viên công ty Hương Lâm (Q.Tân Phú, TP.HCM) một phen chưng hửng trước cuộc chia tay của cô nhân viên kế toán Mai Huyền. Hai vợ chồng trẻ vừa tổ chức thôi nôi cho con trai đầu lòng đã lôi nhau ra tòa, một mực đòi ly dị chỉ vì không hợp nhau về gu ăn mặc, chọn màu sắc cho nhà cửa... Mấy lần được mời hòa giải cả hai đều nhất quyết không đến.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Thủy - Chủ tịch Hội Luật gia Q.Bình Thạnh trăn trở: "Giới trẻ quan niệm rất đơn giản và dường như không có khái niệm gì về cuộc sống hôn nhân. Yêu nhau thì cưới, cưới rồi về chung sống không hợp thì đường ai nấy đi, chẳng có gì là ầm ĩ. Kỹ năng chịu đựng, nhẫn nại để vun đắp cho hạnh phúc gia đình với không ít vợ chồng trẻ chỉ là khái niệm mơ hồ".

Điều đáng lo ngại là các cặp vợ chồng trẻ trình độ học vấn cao, có kiến thức xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp, tự tin trong giao tiếp... lại quyết định ly hôn nhanh chóng và dễ dàng hơn. Một số ý kiến cho rằng, do có trình độ, có việc làm và thu nhập ổn định, người phụ nữ trở nên tự tin, độc lập và cũng quyết đoán hơn khi quyết định cuộc hôn nhân của mình.

Nhưng nhìn ở góc độ khác, phải chăng do tập trung quá nhiều năng lượng, trí tuệ để trang bị kiến thức với mong muốn đạt được thành công trong sự nghiệp, người trẻ đã không còn thời gian và tâm trí để chuẩn bị kiến thức và kỹ năng cho đời sống hôn nhân? Nhiều người rất hạn chế về kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, không biết cách giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khi chung sống để duy trì hạnh phúc hôn nhân. Và vì thế, hễ gặp trục trặc, bất đồng với người bạn đời, thay vì tìm cách hòa giải, thuyết phục đối phương thay đổi hoặc tìm cách thích nghi thì họ ly hôn cho... đỡ rắc rối.
Học làm vợ chồng

Mới nghe nhóm bạn của con bàn luận về một khóa học tiền hôn nhân, bà Võ Ngọc Bích (P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã gạt phắt: "Vẽ chuyện. Học là học chữ, học kiến thức để sau này còn đi làm. Làm vợ chồng việc gì phải học? Làm vợ, làm chồng là quy luật trời sinh, tự nhiên như đứa trẻ biết bò, biết đi, biết nói... Thời các bác có học hành gì đâu mà vợ chồng vẫn hạnh phúc, con cái đề huề, có mấy ai đưa nhau ra tòa ly hôn. Thời bây giờ, mở đủ lớp học, vậy mà bọn trẻ cứ ly hôn ào ào".

Lê Văn Ánh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bày tỏ: "Hạnh phúc của một cuộc hôn nhân chỉ cần tình yêu và trách nhiệm của hai người là đủ. Một tình yêu đích thực đủ giúp hai vợ chồng vượt qua mọi thách thức, khó khăn của đời sống hôn nhân".

Chuyện học làm vợ, làm chồng trước khi kết hôn đã không được quan tâm không chỉ ở những người trẻ, mà ngay cả ở những người làm cha mẹ có con trưởng thành. Không phủ nhận, nhiều thế hệ trước, không ai học làm vợ, làm chồng nhưng cuộc sống gia đình vẫn hạnh phúc, những cặp vợ chồng ly hôn được xem là "trường hợp cá biệt". Nhưng khi cuộc sống phát triển, nhiều giá trị sống thay đổi và khi cái tôi của mỗi cá nhân đang được đề cao thì việc học để làm vợ, làm chồng lại càng quan trọng.

Thời nay, thay vì giáo dục cho con sự nhẫn nhịn, chấp nhận và thay đổi để hòa hợp trong đời sống hôn nhân, không ít cha mẹ lại là những tác nhân khiến cuộc hôn nhân của con cái kết thúc nhanh hơn. Cha mẹ đầu tư tối đa cho con trong chuyện học hành với suy nghĩ: "Chỉ cần học giỏi, kiếm được việc làm tốt, thu nhập cao... đương nhiên sẽ dễ kiếm vợ (chồng) và có được một gia đình hạnh phúc". Vì vậy, khi con đã thành đạt, những mâu thuẫn trong gia đình trẻ thường bị đổ lỗi cho đối phương. Chuyện cha mẹ xúi con ly hôn theo kiểu: "Chồng (vợ) như vậy thì ly dị quách cho xong. Thà về ở với ba mẹ còn hơn. Thành đạt như con khối người mơ ước!".

Các nhà nghiên cứu đã khẳng định: hôn nhân là một chuỗi những biến động. Thời gian biến động, mâu thuẫn xảy ra nhiều nhất là trong khoảng ba đến 5 năm đầu sau khi kết hôn. Còn trẻ, hiếu thắng, cái tôi quá lớn, nhưng lại không được trang bị kỹ năng chấp nhận, chịu đựng và dung hòa, các cặp vợ chồng trẻ cho rằng ly hôn là giải pháp tốt nhất. Đáng ngại hơn, sự đổ vỡ trong hôn nhân không khiến họ áy náy mà trái lại, như Mai Huyền tuyên bố: "Không hợp thì chia tay là tốt nhất. Nên giải thoát để cả hai người đều được tự do, hơn là tiếp tục chấp nhận và chịu đựng nhau".

Chính vì giới trẻ không quan tâm nhiều đến việc trang bị kiến thức trước khi bước vào hôn nhân nên các lớp học tiền hôn nhân thường không thu hút nhiều học viên, thậm chí còn khó chiêu sinh. Trong khi đó, các trung tâm tư vấn hôn nhân-gia đình lại thường xuyên phải tư vấn cho nhiều cặp vợ chồng trẻ xảy ra mâu thuẫn từ những lý do hết sức nhỏ nhặt.

Chỉ tình yêu chưa đủ!

Một tình yêu chân thành, trong sáng là khởi đầu tốt đẹp cho một cuộc hôn nhân, nhưng chưa đủ để duy trì hạnh phúc bền vững. Bên cạnh việc học để biết cách cư xử trong đời sống vợ chồng, hiểu tâm sinh lý của nhau, xử lý các tình huống, mâu thuẫn vợ chồng, dung hòa các mối quan hệ giữa hai gia đình nội ngoại... đời sống hôn nhân hiện đại không thể thiếu những kiến thức, quan điểm đúng đắn về tình dục.

Với văn hóa Việt Nam, đây là vấn đề hết sức tế nhị và nhạy cảm, thường rất ít khi được các cặp vợ chồng trẻ trao đổi một cách thẳng thắn. Nhưng theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Hồn Việt: "Nếu vợ chồng thiếu hiểu biết và thông cảm trong chuyện tình dục thì đây là một trong những nguyên nhân rất dễ gây đổ vỡ hạnh phúc". Chính vì những lý do đó, tham gia những khóa học tiền hôn nhân để thấu hiểu tâm sinh lý trong tình yêu - hôn nhân sẽ giúp mỗi người làm chủ cảm xúc, khéo léo ứng xử trong cuộc sống vợ chồng.

MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã có những phút trải lòng rất thật sau cuộc đổ vỡ hôn nhân với Trịnh Hội: "Chỉ có tình yêu, chưa đủ để có một cuộc hôn nhân thành công. Tại sao hai người yêu nhau, cùng là người tốt nhưng vẫn không tìm được hôn nhân hạnh phúc? Thường khi lấy nhau chúng ta chỉ được nghe những câu chúc phúc hoặc những lời khuyên "ráng giữ đạo vợ chồng", "thương yêu lo lắng cho nhau", "tôn trọng, nhường nhịn nhau"... mà ít khi nào được khuyên là phải học, phải tìm hiểu để biết tâm lý vợ chồng trước khi kết hôn. Tôi chợt nghĩ, tại sao bất cứ ngành nghề gì từ kỹ sư, bác sĩ hay cắt tóc, làm móng tay, nấu ăn... người ta đều phải học, trong khi việc quan trọng nhất của cuộc đời là làm vợ, làm chồng lại chẳng chịu học hỏi? Chúng ta làm đại theo kiểu "thí nghiệm và sửa sai", được thì tốt, không được thì thôi. Nếu thất bại thì cho là do duyên số, định mệnh. Nếu thành công là nhờ sự may mắn. Đối với tôi, bài học quý giá nhất để có cuộc hôn nhân thành công là: chỉ có yêu chưa đủ, mà cần học hỏi, cập nhật kiến thức về tình yêu, hôn nhân mới có thể xây dựng hôn nhân hạnh phúc bền vững".
Theo PNO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới