Đến nay, ngoài hòa thượng trụ trì, chùa còn có trên 30 vị tu tập, trong đó có năm đại đức và một đại đức (Thích Tâm Tánh) tình nguyện ra trụ trì ngôi chùa Nam Yết ở Trường Sa.
Chia sẻ với chúng tôi, hòa thượng Thích Trừng Giác cho biết: Ban đầu chỉ có hai Thầy trò khai hoang, phát rẫy và dựng một mái am tranh tại đây, làm nơi tu thân, hành đạo. Sau gần 40 năm kiến tạo và phát triển, ngôi chùa được xây dựng ngày càng quy mô trên diện tích hơn 4 ha.
Chùa có dòng suối Tiên Du xanh mát chạy qua và đến tận dưới chân núi Hòn Hèo. Phía trước chùa là cánh đồng lúa Ninh Phú bao la, bát ngát, qua đó toát lên cảnh một vùng quê thật yên bình và lãng mạn. Kỳ thú hơn, khi đến chùa du khách tha hồ chiêm ngưỡng những gốc, rễ cây cổ thụ to lớn, với những hình thù kỳ dị được trưng bày trong hoa viên.
Hòa thượng Thích Trừng Giác đang giới thiệu với các Phật tử trẻ về chiếc trống đặc biệt.
Kể từ năm 1999, nhà chùa đã nỗ lực đại trùng tu với ngôi chánh điện nguy nga, cổng tam quan đồ sộ, tượng đài Quán Thế Âm uy nghi, nhà Tổ, nhà tăng, nhà khách, hoa viên, tất cả đều rất tráng lệ, huy hoàng…
Tuy nhiên, theo Thượng tọa, hiện nay khách thập phương đến đây bất ngờ với chiếc trống và được xem là độc nhất vô nhị. Điều dặc biệt ở đây là thân trống được làm nguyên khối cây gỗ (không ghép) có chiều dài 2,4 m, đường kính mặt trống 1,55 m, kèm theo đế trống được trạm khắc rất công phu, tất cả được người thợ thi công tại chùa trong nhiều năm. Ngoài ra chùa còn tự hào có Đại hồng chung (quả chuông) nặng 1,5 tấn…
Chùa Linh Phong chẳng những là nơi hướng dẫn Phật tử Tiên Du tu học theo giáo lý Phật Đà mà còn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh, một danh thắng, cửa chùa luôn luôn rộng mở đón phật tử ở địa phương, du khách thập phương tham quan, lễ Phật và vãn cảnh chùa…
Hãy nghe Phật tử miền quê nơi đây hoan hỷ luận bốn câu thơ cũng đủ say đắm lòng người.
Tối đến dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh…
Cổng chùa và các công trình trong khuôn viên chùa: