Nhận lệnh đến hỗ trợ y tế cho người dân trong khu cách ly, họ chỉ kịp về nhà lấy mấy bộ quần áo, máy tính cá nhân và vài dụng cụ cần thiết rồi lên đường. Ngay đêm đầu tiên, họ bị ngợp với khối lượng công việc trong khu cách ly.
Ngày đầu bỡ ngỡ
Tiếp chúng tôi ngay tại phòng làm việc trong khu cách ly ký túc xá (KTX) khu A (ĐH Quốc gia TP.HCM), đôi mắt của BS Lê Văn Phương (phụ trách chính đội ngũ y, bác sĩ, thường trực tại khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM) sưng húp, lộ rõ dấu hiệu thiếu ngủ.
BS Phương kể ngay khi Sở Y tế có yêu cầu đội ngũ y tế phải hỗ trợ công tác cách ly vào ngày 19-3, ông lên đường ngay mà không cần chờ công văn đến tay. “Tôi đến thẳng KTX để kịp bàn bạc với anh em phụ trách ở đây. Hai tiếng sau đó, mọi công tác chuẩn bị ban đầu đã hoàn tất để đón người đến cách ly” - BS Phương nhớ lại.
Lúc nhận lệnh, BS Phương được yêu cầu sắp xếp chỗ cho 300-400 người. Nhưng sự chuẩn bị ban đầu của đội ngũ đã “vỡ trận” khi ngoài hành lang của các dãy nhà trong khu KTX, hàng chục chiếc xe đưa người dân từ sân bay về xếp hàng dài, cả ngàn người.
Ngay tức khắc đội ngũ y, bác sĩ cùng ban quản lý KTX và các cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh TP.HCM, dân quân tự vệ tự triển khai nhiều phương án tại chỗ để người dân có chỗ nghỉ trong đêm. Nhìn thấy lượng người đổ về với đồ đạc cồng kềnh, các y, bác sĩ mỗi người một tay cùng phụ giúp các dân quân đưa hành lý của người dân lên phòng. “Anh em vác đồ nặng, lại phải đi thang bộ, từ chiều đã chuẩn bị nhưng vì số lượng tăng đột biến. Anh em chúng tôi tơi tả hết” - BS Phương chia sẻ.
Ngày hôm đó, y, bác sĩ đã làm liên tục từ 16 giờ chiều hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau mới tạm ổn định được mọi thứ. Ngay sau đó, họ phải tiến hành ngay việc đo thân nhiệt, kiểm tra tình trạng sức khỏe của người dân.
“Đúng là một kỳ tích, mấy ngày sau ngồi nghĩ lại không ai hiểu sức đâu ra mà mọi người làm được như thế. Chúng tôi quá bất ngờ vì lượng người mỗi lúc một đông, tăng lên một cách chóng mặt” - BS Phương ngồi nhớ lại.
Đội ngũ y, bác sĩ với gần 150 người ở nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố được điều động để phục vụ trong những ngày thực hiện cách ly. “150 bác sĩ vừa phải khám, lấy mẫu khám bệnh của hơn 6.000 người thực sự là quá tải nhưng mỗi cá nhân y, bác sĩ tự ý thức rõ trách nhiệm của mình. Nhất là trong dịch bệnh, chúng tôi là những người có chuyên môn thì phải tư vấn, hỗ trợ tích cực cho người dân để họ an tâm” - BS Phương trải lòng.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe của người dân hai lần/ngày để đảm bảo kiểm soát được tình hình dịch bệnh. ẢNH: THANH TUYỀN
BS Lê Văn Phương (bìa phải), phụ trách chính đội ngũ y, bác sĩ, thường trực tại khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, tranh thủ nhấp ngụm nước trong khi cùng đồng nghiệp bàn bạc công việc. Ảnh: THANH TUYỀN
Lo cho dân như người mẹ chăm con
Không chỉ làm công tác chuyên môn, các y, bác sĩ tại tuyến đầu còn là chỗ dựa tinh thần, đáp ứng mọi đòi hỏi của người dân. Người dân cần xà phòng, bác sĩ phải mang đến; họ cần những vật dụng sinh hoạt trong phòng cũng bốc máy gọi hỏi bác sĩ. Đồ lau nhà, xà phòng, thau giặt đồ, móc phơi quần áo… Kể cả những vật dụng cá nhân của nam, nữ đều được bác sĩ cung cấp đầy đủ.
“Họ cần gì cũng bốc máy gọi cho các y, bác sĩ. Có người bảo tui cần quạt máy, tui cần thêm sữa… Người thì bảo họ ăn chưa no, muốn có đồ ăn lót dạ thì bác sĩ cũng mang đến tận phòng” - BS Phương nói.
Thậm chí có người còn gọi điện thoại nói cần tủ lạnh. “Đó là những thứ ngoài khả năng nên chúng tôi sẽ tìm cách để giải thích cho họ hiểu. Tâm lý người dân khi vào đây ban đầu cũng không thoải mái, họ cũng nặng nề nhiều thứ, bản thân bác sĩ hiểu được đến đâu thì chia sẻ với họ thôi” - BS Phương tâm tình.
Mọi vật dụng tiện nghi nhất, các y, bác sĩ đều dành cho người dân. Còn họ, đội ngũ 150 người chia nhau chỗ nằm ngay trong phòng làm việc để tranh thủ vừa làm vừa nghỉ ngơi. Cũng chừng đó con người, họ chỉ sử dụng một nhà vệ sinh ở tầng trệt, thay phiên nhau dọn dẹp sạch sẽ mỗi ngày.
“Thậm chí còn không có nhà tắm. Mấy anh em cứ chia nhau xin tắm ké ở đâu đó, chủ yếu là tự xoay xở thôi. Tôi cũng biết anh em có người mệt và nản nhưng chỉ biết nói lời động viên rằng mọi người chịu khó, mình xoay xở trong khả năng để giúp người dân là chính” - BS Phương trải lòng.
Các bác sĩ ở đây kể rằng ngày một, ngày hai người dân còn xa lạ. Nhưng đến những ngày sau, người dân thân thiết, quý mến y, bác sĩ và xem họ như người bạn thân của mình. Đội ngũ y, bác sĩ cũng coi họ như người nhà để tâm sự chuyện công việc, tạm vơi đi nỗi nhớ nhà.
Đối phó với tình huống oái oăm Có trường hợp người dân phản ứng, không hợp tác, nói nặng lời. “Tại sao tôi phải vào đây trong khi hoàn toàn khỏe mạnh?”, “Tại sao mỗi ngày phải khai báo sức khỏe hai lần, thật phiền phức…”. Đó là những câu hỏi cắc cớ mà các y, bác sĩ gặp phải và phải nhẹ nhàng giải thích, trấn an. Chưa kể, trong quá trình theo dõi sức khỏe, phát hiện có người bị viêm ruột thừa, phải chuyển họ đi gấp để kịp thời chữa trị. Thậm chí, có những người khách Tây chơi cỏ Mỹ ngay trong khu cách ly… Còn có trường hợp một người Tây muốn nhảy dù để giải trí trong khu cách ly. Khi biết được ý định này, các bác sĩ đã báo ngay cho lực lượng dân quân, bộ đội cùng nhau phối hợp, khôn khéo thuyết phục người khách này chọn cách giải trí khác phù hợp hơn. |
Lực lượng đi trước về sau
Cho đến khi toàn bộ người dân đã hoàn thành 14 ngày cách ly, có kết quả âm tính và được trở về nhà thì công việc của các cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ y, bác sĩ vẫn chưa kết thúc… Họ tiếp tục ở lại để dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn phòng ốc, hành lang và toàn bộ các dãy nhà.
Nếu có đợt cách ly mới, họ lại tiếp tục chuẩn bị công tác hỗ trợ cho dân. Và cho đến khi dịch đã lắng xuống, họ lại tự cách ly thêm 14 ngày để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình cũng như những người xung quanh.
“Cán bộ, chiến sĩ ngay từ đầu tham gia công tác hỗ trợ cách ly đã luôn xác định tâm thế mình là người đầu tiên đến, lại là người cuối cùng rời đi. Chỉ khi nào người dân đã an toàn, chúng tôi mới kết thúc nhiệm vụ” - Trung tá Nguyễn Nhâm (trợ lý tác huấn, thành viên Ban chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19, KTX ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ.
BS Lê Văn Phương thì tâm tình từ ngày nhận nhiệm vụ ở khu cách ly, BS Phương cùng đồng nghiệp chưa một lần về nhà. Với những y, bác sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ trong đợt 1 cũng không về nhà mà tự tìm nơi để cách ly, đảm bảo tối đa an toàn cho người thân.
Họ chỉ có thể gọi điện thoại , nhìn thấy nhau qua Zalo, gọi Facetime để vơi nỗi nhớ nhà. “Xa gia đình thì mình đành chấp nhận chứ sao. Trước mắt phải làm sao để sâu sát tình hình sức khỏe người dân, kịp thời phát hiện nếu có người nhiễm bệnh để kiểm soát dịch tốt nhất. Đó là nghĩa vụ mà mỗi y, bác sĩ chúng tôi phải làm” - BS Phương bày tỏ.
Xin lỗi ngay vì người dân đang nóng ruột Theo đúng dự kiến, gần 1.000 người hoàn thành cách ly đợt đầu tiên ở cả KTX khu A và Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ được trở về nhà vào ngày 2-4. Chiều 1-4, BS Phương nhận thông tin Viện Pasteur đang quá tải, không thể có đủ kết quả xét nghiệm, buộc phải dời ngày. Nhận tin xong, BS Phương nóng ruột: “Hàng ngàn người đang rất nóng lòng đến ngày mai để trở về với gia đình và nhìn thấy kết quả mình khỏe mạnh. Vậy mà…”. Ông thông cảm với sự quá tải của Viện Pasteur nhưng ông cũng sốt ruột không kém trước niềm hy vọng của người dân. “Phải thông báo đến người dân thông tin dời ngày họ được ra khỏi khu cách ly quả là điều đáng buồn…” - ông ngậm ngùi. Bên ngoài, đông đảo người thân có con em, người trong gia đình đang thực hiện cách ly, khi nghe tin ngày 2-4 họ sẽ được ra đã đi từ các tỉnh về trước một ngày để đón người thân. Càng nghĩ đến hình ảnh hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau chờ đón người thân, BS Phương càng chạnh lòng. Không thể chần chừ thêm, ông liền quyết định: “Phải xuống xin lỗi người dân ngay”. Ông phát loa thông báo cho người dân ở cả hai nơi về thông tin chưa thể có kết quả xét nghiệm, không thể đảm bảo cho họ ra về vào ngày mai. Qua loa phát thanh, ông nói: “Chúng tôi gửi lời xin lỗi tất cả bà con vì phải dời ngày. Mong bà con thông cảm và chịu khó đến khi có thông báo chính thức”. |