Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022, Nga đã mở nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Đầu năm nay, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ra báo cáo về chủ đề chiến tranh tên lửa của Nga tại Ukraine. Theo báo cáo, các cuộc tấn công tên lửa của Nga vào năm 2022 đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Ukraine, dù có thể không đạt được nhiều thành quả chiến lược như Moscow mong đợi.
Tới năm 2023, Nga tiếp tục sử dụng các tên lửa tầm xa trong các cuộc tấn công thường xuyên nhằm vào nhiều mục tiêu dân sự và quân sự trên khắp Ukraine, dù có thay đổi về trọng tâm, cường độ và chất lượng vũ khí sử dụng.
Theo chuyên gia Ian Williams, thành viên của CSIS và Phó giám đốc dự án Phòng thủ Tên lửa của CSIS, việc Nga tiếp tục chiến dịch tấn công vào năm 2023 cho thấy một điều khá rõ ràng rằng phỏng đoán Nga sẽ cạn kiệt tên lửa là chưa đúng với thực tế. Bất chấp các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, hỏa lực của Nga vẫn vững vàng.
Nga đổi chiến thuật dùng tên lửa
Trong bài viết trên trang CSIS, ông Williams cho biết từ tháng 3-2022 đã có nhiều suy đoán rằng nguồn cung cấp tên lửa dẫn đường chính xác của Nga đang cạn kiệt.
Theo ông, có thể những suy đoán này không sai bởi Nga có lẽ đã dùng rất nhanh nguồn tên lửa tầm xa mà Nga phân bổ ban đầu cho chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuy nhiên, Nga vẫn duy trì tấn công tên lửa nhằm vào Ukraine, có thể là bằng cách rút đạn dược được phân bổ cho các chiến trường khác và rút bớt kho dự trữ chiến lược.
Thêm nữa, Nga đã tái sử dụng nhiều loại tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm để tấn công trên mặt đất. Nga cũng đã tiếp tục sản xuất tên lửa trong suốt cuộc chiến và bằng chứng cho thấy rằng hầu hết tên lửa hành trình của Nga mà nước này có trong kho hiện tại đều được sản xuất sau chiến tranh.
Chuyên gia Williams nhận định rằng so với các giai đoạn trước của cuộc chiến trên không của Nga, Nga có xu hướng không dùng các hệ thống tên lửa cao cấp như tên lửa hành trình mà chuyển sang các hệ thống rẻ hơn, như máy bay không người lái (UAV) Shahed-136.
Sự thay đổi này này được thể hiện trong hai biểu đồ bên dưới.
Các loại tên lửa Nga dùng để tấn công Ukraine ngày 1-1-2023 đến ngày 31-3-2023. Nguồn dữ liệu: Lực lượng không quân Ukraine /Bộ Tổng tham mưu Ukraine. Biểu đồ: CSIS |
Các loại tên lửa Nga dùng để tấn công Ukraine ngày 1-4-2023 đến ngày 22-6-2023. Nguồn dữ liệu: Lực lượng không quân Ukraine /Bộ Tổng tham mưu Ukraine. Biểu đồ: CSIS |
Cụ thể, trong ba tháng đầu năm 2023, trong giai đoạn cuối chiến dịch của Nga tấn công nhằm vào lưới điện của Ukraine, UAV Shahed-136 chiếm khoảng 40% số tên lửa tầm xa bắn vào Ukraine. Kể từ tháng 4, tỉ lệ dùng UAV Shahed-136 tăng lên thành 61%.
Tuy nhiên, so với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, Shahed-136 thường dễ bị bắn hạ hơn trước các hệ thống phòng thủ rẻ như Flakpanzer Gepard do Đức sản xuất hay các loại súng. Trọng lượng của Shahed-136 cũng chỉ ở mức ngang với tên lửa hành trình như Kh-101 nên ít gây sát thương hơn cho đối phương khi xuyên qua lớp phòng ngự.
Hệ thống phòng không của Ukraine đã hoạt động rất tốt trong bối cảnh đầy thách thức nhưng quân Nga vẫn tiếp tục cố gắng tìm các lỗ hổng để khai thác nhằm giành lợi thế.
Trừng phạt phương Tây không làm suy yếu hỏa lực Nga
Bất chấp trừng phạt từ phương Tây và việc phương Tây kiểm soát xuất khẩu các thành phần vi điện tử quan trọng, Nga đã có thể tìm ra cách giải quyết để tiếp tục sản xuất tên lửa, ông Williams nhận định.
Ông Williams cho rằng việc Nga tấn công bằng tên lửa xịn sẽ phụ thuộc vào số lượng tên lửa mà nước này có thể sản xuất, và việc sản xuất các tên lửa đạn đạo và hành trình cao cấp của Nga sẽ không bao giờ giảm xuống mức 0.
TP Kramatorsk, tỉnh Donetsk, (Nga) bị nã tên lửa vào ngày 27-6. Ảnh: CNN |
Vào tháng 5, tình báo Ukraine ước tính rằng Nga hiện sản xuất khoảng 60 tên lửa hành trình, 5 tên lửa đạn đạo Iskander và 2 tên lửa Kinzhal mỗi tháng.
Tháng 6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lưu ý rằng Ukraine tiếp tục tìm thấy các linh kiện vi điện tử do phương Tây sản xuất trong nhiều xác tên lửa của Nga. Theo giới quan sát, những thành phần này có thể vào Nga nhờ các nước thứ ba thân thiện với Nga cung cấp.
Mỹ và châu Âu có thể và nên tìm cách hạn chế hơn nữa dòng chảy của các thành phần công nghệ lưỡng dụng vào Nga. Tuy nhiên, phương Tây đừng hy vọng rằng có thể tước đoạt hoàn toàn các thành phần mà Nga cần để sản xuất tên lửa, ông Williams cho hay.
Lý do là các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chưa bao giờ ngăn cản được sự phổ biến vũ khí của một nước nào đó, chứ đừng nói đến một quốc gia có quy mô và tầm ảnh hưởng kinh tế như Nga.
Những gì phương Tây có thể làm là làm cho việc tìm các thành phần này khó hơn và giá bán đắt hơn, điều này sẽ hạn chế được số lượng tên lửa mà Nga có thể sản xuất.
Dù vậy, ông Williams cho rằng Nga sẽ không ngừng chế tạo tên lửa và UAV nhằm vào Ukraine. Thực tế này sẽ không thay đổi cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Trong khi đó, phòng không chủ động vẫn là biện pháp chống lại các cuộc tấn công tên lửa của Nga và điều này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ và bổ sung liên tục từ các đối tác quốc tế của Ukraine.