Leo thang cuộc chiến UAV giữa Nga và Ukraine

(PLO)- Sự phát triển của máy bay không người lái (UAV) đang định hình chiến tranh hiện đại, trong đó có xung đột Nga-Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc chiến trên không đang định hình chiến tranh hiện đại nhờ sự phát triển của hệ thống máy bay không người lái (UAV). Dù UAV thường xuyên bị chỉ trích là phi đạo đức vì có thể giết hại những người vô tội nhưng xét về mặt quân sự, các chuyên gia cho rằng UAV chính xác hơn, ít hư hại và đảm bảo an toàn cho phi công hơn so với máy bay có người lái.

Có thể thấy UAV ngày càng được sử dụng nhiều hơn trên chiến trường nhờ vào tốc độ và sự linh hoạt. Việc UAV nổi lên trong chiến tranh hiện đại, tiêu biểu là xung đột Nga-Ukraine, khiến giới quan sát cho rằng các công nghệ đột phá sẽ định hình các cuộc đối đầu quân sự trong tương lai.

UAV ưu nhược thế nào so với máy bay có người lái?

Binh sĩ Nga chuẩn bị phóng UAV trinh sát Orlan-30 ở chiến trường Ukraine. Ảnh: SPUTNIK

Binh sĩ Nga chuẩn bị phóng UAV trinh sát Orlan-30 ở chiến trường Ukraine. Ảnh: SPUTNIK

Trong những thập niên qua, các lực lượng quân sự đã sử dụng UAV để thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm: Tình báo, giám sát và trinh sát; hỗ trợ trên không (vô hiệu hóa các lực lượng mặt đất của kẻ thù); hỗ trợ hậu cần; truyền thông tin.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng trong tương lai, UAV có thể tiếp tục thay thế máy bay có người lái trong một số nhiệm vụ như: tiếp nhiên liệu, chiến đấu trên không; phá hủy hệ thống phòng không của địch; tìm kiếm cứu nạn và chiến tranh điện tử.

Theo tờ The EurAsian Times, UAV vượt trội hơn hẳn khi so về hiệu suất và độ bền với máy bay có người lái. Xét đến chi phí hoạt động, UAV cũng được đánh giá cao hơn nhờ tổng chi phí vận hành thấp và nếu có rủi ro xảy ra thì tổn thất mà UAV mang lại cũng thấp hơn máy bay có người lái vì nó không chở theo phi hành đoàn.

Các chuyên gia cho rằng nhiều vai trò sẽ bị UAV thay thế trong tương lai.

Tuy nhiên, máy bay có người lái vẫn có những lợi thế so với UAV. Hệ thống máy bay có người lái do phi công điều khiển nên dễ dàng đưa ra quyết định phù hợp với tình huống thực tế, phù hợp hơn cho các nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi chuyên môn của con người.

Hệ thống máy bay có người lái cho phép các thành viên phi hành đoàn tương tác trực tiếp, trao đổi, thảo luận nên có thể đưa quyết định tập thể chuẩn xác hơn.

Thêm vào đó, sự hiện diện của phi công trong máy bay có thể tạo nên tác động tâm lý đối với kẻ thù, khiến máy bay có người lái trở nên hiệu quả trong việc răn đe.

Cuộc chiến UAV của Nga và Ukraine đang leo thang

Binh sĩ Ukraine điều khiển UAV ở tỉnh Lviv (Ukraine) ngày 12-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Binh sĩ Ukraine điều khiển UAV ở tỉnh Lviv (Ukraine) ngày 12-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Xung đột Nga-Ukraine đã đẩy chiến tranh bằng UAV trở nên nổi bật khi cả hai bên đều tiến lên phía trước và cố gắng chiếm thế thượng phong trong không trung.

Ông Steve Wright - nhà nghiên cứu cấp cao về hệ thống điện tử hàng không và máy bay tại ĐH West of England (Anh) ngày 4-7 nhận định với tờ Newsweek rằng cuộc chiến UAV đang “leo thang rất nhiều”.

“UAV đã được tích hợp hoàn toàn vào học thuyết quân sự hiện đại và sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên chiến trường” - ông nói, đồng thời lưu ý rằng bên cạnh sự phát triển cực nhanh của công nghệ UAV, cả Nga và Ukraine đều biết cách sử dụng UAV hiện có để tạo lợi thế cho mình.

Hồi tháng 2, Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine - ông Anton Gerashchenko gọi UAV là “siêu vũ khí” tại chiến trường Ukraine.

“Cuộc chiến này là cuộc chiến của UAV” - ông nói, cho biết Kiev đã đổ thời gian và tiền bạc vào việc nuôi dưỡng “đội quân máy bay không người lái” của mình.

Thực tế là UAV liên tục chiếm sóng trong các tranh cãi giữa Moscow và Kiev thời gian qua.

Ngày 4-7, Nga cáo buộc Ukraine sử dụng 5 UAV tấn công vào thủ đô Moscow. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 4 UAV đã bị hệ thống phòng không của Nga phá hủy, chiếc còn lại “bị tác chiến điện tử ngăn chặn”.

Theo hãng thông tấn TASS, vụ việc trên đã làm gián đoạn các chuyến bay đến sân bay quốc tế Vnukovo (thủ đô Moscow) sáng 4-7 (giờ Nga), 14 chuyến bay phải chuyển hướng sang sân bay khác.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Ukraine đã cố gắng “tấn công khu vực có các cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả sân bay”, cho biết Nga coi đây là “một hành động khủng bố”.

Trước đó, vào tháng 5, Điện Kremlin cũng từng cáo buộc Ukraine nhắm mục tiêu vào Moscow bằng 8 chiếc UAV. Nga tuyên bố sẽ thực hiện “các biện pháp nghiêm khắc nhất có thể” để đối phó vấn đề này.

Ngược lại, quân đội Ukraine cũng báo cáo các đợt tấn công từ Nga bằng UAV Shahed do Iran sản xuất nhằm vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng của Ukraine gần như hằng ngày.

Theo ông Wright, tốc độ phát triển cũng như khả năng vận hành UAV của cả Nga và Ukraine đã tăng cực nhanh chỉ trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, Ukraine cũng đang nhận được nhiều viện trợ UAV từ phương Tây trong thời gian qua.

Những yếu tố trên, cùng với việc nhập khẩu và sản xuất UAV rẻ hơn rất nhiều so với chi phí sử dụng các hệ thống phòng không đắt tiền để đánh chặn chúng, chuyên gia cho rằng UAV sẽ được sử dụng ngày càng nhiều trong cuộc chiến tại Ukraine và chiến tranh hiện đại nói chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm