Chiều 12-4, TS Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho biết kết quả xét nghiệm 19 mẫu phẩm do Viện Pasteur Nha Trang gửi ra Viện Dịch tễ Trung ương xét nghiệm hai chủng virus H5N1 và H7N9 đã cho kết quả như sau: Tất cả 19 mẫu phẩm (chim yến sống, chim yến chết, dãi trên tổ yến, tổ yến, chim non sống, chim non chết, người chăm sóc bảo vệ đàn yến…) ở nhà yến rạp hát Thanh Bình (TP Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận, của Công ty CP Yến Việt) đều âm tính với cúm A/H7N9. Các mẫu chim yến sống và chim yến chết đều dương tính với cúm A/H5N1, người và tổ yến thì âm tính với cúm A/H5N1.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng có kết luận thêm cơ sở nuôi yến của ông NMH (đường Cao Thắng, phường Đạo Long, cách ổ dịch rạp Thanh Bình khoảng 50 m) có một chim yến dương tính với virus cúm A/H5N1.
Lúng túng trong chống dịch
Bà Phan Thị Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, cho biết Sở đang chỉ đạo thu thập danh sách những người trực tiếp quản lý, chăm sóc đàn yến của 53 cơ sở nuôi yến để theo dõi, giám sát tình trạng sức khỏe trước nguy cơ dịch cúm A/H5N1 bùng phát trên đàn chim yến nuôi.
Chăm sóc chim yến con ở một cơ sở nuôi tại TP Nha Trang. Ảnh: LÊ XUÂN
Bà Lai cho biết các cơ quan chức năng đã đưa sáu người nuôi yến tại điểm nuôi yến vào BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm, kết quả âm tính. Qua theo dõi, nếu người trực tiếp nuôi yến có các triệu chứng ho, tức ngực thì Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lập tức hướng dẫn xét nghiệm và Sở Y tế tỉnh đưa ra phác đồ điều trị khi có dấu hiệu của cúm gia cầm trên người. “Những khó khăn, lúng túng trong xử lý khi xảy ra dịch cúm A/H5N1 trên đàn yến, Sở sẽ có báo cáo, đề xuất với Bộ Y tế tại hội nghị toàn quốc phòng, chống dịch H7N9 và H5N1 sáng 13-4” - bà Lai nói.
Bà Lai cũng tỏ ra lúng túng về vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa sản phẩm yến đến người tiêu dùng vì lâu nay chưa từng xảy ra dịch cúm trên đàn chim yến, tổ yến.
Khánh Hòa: Chưa vội
Ông Tào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Thực tình số lượng yến tại Khánh Hòa bao nhiêu chúng tôi không nắm được. Ngoài ra, mấy năm trở lại đây việc nuôi yến diễn ra tự phát nên rất khó quản lý. Hiện Sở cũng chưa có kế hoạch cụ thể về việc phòng trừ cho người dân, trước mắt người dân phải tự lo phòng dịch là chính. Chúng tôi cũng hạn chế việc công bố thông tin, vì nếu công bố ra người dân sẽ hoang mang và ảnh hưởng đến việc kinh doanh yến tại địa phương”. Cũng theo ông Tuấn, ngày 16-4 tới, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức cuộc họp để bàn kế hoạch quy hoạch lại việc nuôi yến, đồng thời xây dựng kế hoạch phòng dịch cúm cho gia súc, gia cầm và cả chim yến.
Riêng Công ty Yến sào Khánh Hòa, đơn vị được tỉnh giao quản lý các đảo và hang yến, đã tăng cường việc kiểm dịch, trừ độc cho đàn yến.
ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết nơi đây đang cử đoàn đi thống kê, rà soát lại tất cả các hộ dẫn dụ và nuôi chim yến lấy tổ trên địa bàn tỉnh. Ông Củi cho rằng việc nuôi chim yến lâu nay tỉnh cấm nhưng người dân vẫn làm. Tình trạng nuôi yến tự phát ào ạt khiến nhiều người lo ngại dịch cúm có thể xảy ra trên toàn tỉnh Kiên Giang.
Tiêu hủy đàn và tổ yến bệnh Ngay sau khi có thông tin chim yến tại Ninh Thuận nhiễm virus cúm A/H5N1, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các địa phương trong cả nước rà soát, giám sát, kiểm soát chặt các cơ sở, hộ nuôi nuôi yến trong nhà. Tại Ninh Thuận, Cục Thú y đã yêu cầu lực lượng thú y địa phương nhanh chóng tiêu hủy các đàn yến nhiễm H5N1 cùng các tổ yến của đàn yến bệnh. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu bắt buộc phải tiêu hủy các sản phẩm tổ yến chưa khai thác từ các đàn yến bệnh nhằm ngăn chặn việc lây lan H5N1 sang người. Sản phẩm tổ yến từ các cơ sở, hộ, trại nuôi chim yến phải thông qua kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm mới được đưa ra thị trường. Cục cũng yêu cầu các hộ có đàn yến nuôi trên các tỉnh, thành khi phát hiện yến chết phải báo ngay với chính quyền sở tại, cơ quan thú y đến lấy mẫu xét nghiệm để ngăn chặn dịch bệnh gia cầm. Mọi diễn biến bệnh trên đàn yến gọi khẩn về Phòng Dịch tễ - Cục Thú y 04.38685104, email dichte_epi@dab.gov.vn. Ông VĂN ĐĂNG KỲ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y Cách phòng bệnh cho đàn yến Ông Nguyễn Xuân Viễn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nuôi yến thuộc Công ty Yến sào Khánh Hòa, khuyến cáo để phòng, chống dịch bệnh cho đàn chim yến, các hộ nuôi cần kiểm tra vệ sinh xung quanh nhà yến, thường xuyên quét dọn phân chim đưa đi xử lý vì hàm lượng amoniac trong phân quá cao trong quá trình phân hủy phân sẽ làm ô nhiễm và nhiễm độc với chim yến. Ở nông thôn, có sân vườn phải phát quang, rắc vôi bột xung quanh nhà yến. Bên cạnh đó, để bảo đảm tối đa cho việc bảo vệ đàn yến, cần phun thuốc sát trùng Virkon-S xung quanh nhà yến và phun thuốc Solfac diệt côn trùng như kiến, gián để cách ly mầm bệnh. |
NHÓM PV - CTV