Đây là một trong những nội dung được nêu rõ trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2016 vừa được Văn phòng Chính phủ công bố.
Trước đó, ngày 5-8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đề cập đến vấn đề miễn học phí cho học sinh bậc THCS.
Cụ thể, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, học phí bậc THCS không đáng bao nhiêu nhưng lại tạo tâm lý cho người học và phụ huynh.
Hiện chỉ học sinh tiểu học được miễn học phí. Các bậc học còn lại học sinh đều phải đóng học phí hằng tháng.
Theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021, học phí các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015-2016 từ 60.000-300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; 30.000-120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và 8.000-60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi.
Từ năm học 2016-2017 trở đi, mức học phí sẽ điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.
Căn cứ trên các quy định trên, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hằng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn mình.
Tuy nhiên, tại TP.HCM, năm học 2016-2017, mức học phí vẫn được giữ nguyên, bậc học THCS là từ 85.000-100.000 đồng, tùy khu vực. Riêng học sinh bổ túc THCS, mức học phí còn giảm so với trước.
Còn tại Hà Nội, HĐND TP đã quyết định tăng học phí trong năm học 2016-2017. Cụ thể, mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đại trà, cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập, năm học 2016-2017 tại khu vực thành thị tăng từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 33%); khu vực nông thôn tăng từ 30.000 lên 40.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 33%); khu vực miền núi tăng từ 8000 lên 10.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 25%).