Chính phủ quyết nghị chấn chỉnh công tác làm luật

Các bộ trưởng phải “trực tiếp chịu trách nhiệm” tổ chức, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật của bộ mình. Các cơ quan chủ trì soạn thảo phải tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi hoàn thiện dự án lập quy trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đây là một nội dung nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng luật mà Chính phủ tổ chức hôm 5-8.

Để khắc phục tình trạng “thiếu nhạc trưởng trong xây dựng pháp luật”, “mạnh ai nấy làm, không đồng bộ”, “chạy đua xây dựng pháp luật để rồi luật này phủ nhận luật kia”… đã được mổ xẻ trong phiên họp này, Nghị quyết của Chính phủ đề ra một số giải pháp đồng bộ. Theo đó, Bộ Tư pháp phải nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án, dự thảo với hệ thống pháp luật.

Khắc phục sự chồng chéo giữa Bộ Tư pháp với Văn phòng Chính phủ trong việc tham mưu cho Chính phủ xây dựng pháp quy, Nghị quyết phân định rõ: tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp phát biểu ý kiến về việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định như thế nào; còn Văn phòng Chính phủ chỉ báo cáo tổng hợp ý kiến các bộ trưởng thành viên Chính phủ đối với dự án, dự thảo mà thôi.

Liên quan đến những bất cập của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp và ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ quyết nghị thống nhất hướng sửa luật này theo quy trình làm luật trước 2008.

Theo đó, cơ quan chủ trì trình dự án luật sẽ đồng thời chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung ấy.

Còn các cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội sẽ tập trung vào công tác thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cũng như thẩm tra các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Trường hợp có ý kiến khác biệt với cơ quan chủ trì trình thì cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo hướng này, quy trình làm luật sẽ rõ ràng hơn, khắc phục những bất cập, hạn chế do cách làm “đổi vai giữa đường” được đưa vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ 2008 đến nay. Mà ở đó, khi cơ quan trình chỉ chủ trì dự án luật cho đến khi đưa sang Quốc hội, sau đó cơ quan thẩm tra sẽ nhận trách nhiệm chủ trì tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện dự án cho đến khi Quốc hội bấm nút thông qua.

Được biết Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Thủ tướng, trước khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới